Hội nghị sơ kết công tác kiểm sát 6 tháng đầu năm 2024.
Trong những năm qua, tập thể Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Cao Bằng đã tập trung chỉ đạo thực hiện 04 giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng công tác Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự. Qua đó, góp phần tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự, tạo điều kiện thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Thứ nhất, thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp của chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan nói chung, cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng trong quá trình hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ: Viện kiểm sát hai cấp đã quán triệt và tuân thủ triệt để các nội dung yêu cầu tại Chỉ thị số 26-CT/TW, ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc”; kịp thời thông tin, báo cáo Cấp ủy khi thụ lý, giải quyết các vụ án có thể gây ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh chính trị, các vụ án được dư luận quan tâm theo dõi; tích cực thực hiện, tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung Chỉ thị số 60-CT/TU, ngày 26/3/2015 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp”. Đồng thời, cả hai cấp đã chủ trì tổ chức ký kết nhiều Quy chế phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan, tạo cơ sở, điều kiện thuận lợi để tăng cường sự phối hợp, trao đổi giải quyết những khó khăn, vướng mắc giữa các cơ quan trong công tác giải quyết tin báo, tố giác tội phạm nói riêng, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự nói chung.
Thứ hai, bám sát sự chỉ đạo của đồng chí Viện trưởng Viện KSND tối cao, các Vụ nghiệp vụ Viện KSND tối cao về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, như: Chỉ thị số 06/CT-VKSTC, ngày 06/12/2013 về “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm”; Chỉ thị số 04/CT-VKSTC, ngày 10/7/2015 về “Tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai”; Chỉ thị số 09/CT-VKSTC, ngày 06/4/2016 về “Tăng cường tranh tụng tại phiên tòa”; Chỉ thị số 06/CT-VKSTC, ngày 02/10/2017 về “Tăng cường trách nhiệm của VKSND trong việc theo dõi, quản lý, giải quyết các vụ án hình sự tạm đình chỉ”; Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 28/12/2017 về “Tăng cường việc thỉnh thị, trả lời thỉnh thị, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc, thông báo rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”... Từ đó xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện đảm bảo phù hợp với điều kiện cụ thể của ngành, yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương trong từng thời kỳ, thời gian cụ thể.
Thứ ba, tập trung xây dựng bộ máy làm công tác Thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết án hình sự tinh, gọn và có tính ổn định, chuyên sâu. Cụ thể: Lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp đã chỉ đạo lựa chọn các cán bộ, kiểm sát viên có phẩm chất năng lực, có kinh nghiệm bố trí làm việc ổn định, lâu dài tại 03 phòng kiểm sát án hình sự của Viện KSND tỉnh[1] cũng như tại các bộ phận kiểm sát án hình sự của Viện kiểm sát cấp huyện. Chỉ đạo phân công, phân nhiệm cho cán bộ, kiểm sát viên làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự theo hướng chuyên sâu đối với từng loại án; đẩy mạnh công tác đào tạo và đào tạo tại chỗ bằng việc tổ chức các cuộc tạp huấn, thi nghiệp vụ; thường xuyên tổng kết rút kinh nghiệm, giải đáp khó khăn vướng mắc về công tác giải quyết án hình sự... nhằm từng bước đào tạo được các “chuyên gia” của khâu công tác này.
Thứ tư, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của cán bộ, kiểm sát viên làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự: Lãnh đạo Viện KSND tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu lãnh đạo các đơn vị (Viện trưởng Viện kiểm sát cấp huyện, Trưởng các phòng hình sự cấp tỉnh) phải trực tiếp tham gia giải quyết đối với các vụ án hình sự nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; đồng thời phải chịu trách nhiệm toàn bộ về kết quả giải quyết các vụ án hình sự thuộc phạm vi giải quyết của cơ quan, đơn vị do mình phụ trách. Thường xuyên quán triệt, yêu cầu các Kiểm sát viên được phân công thụ lý vụ án hình sự phải bám sát Điều tra viên để nắm chắc diễn biến, tiến độ của quá trình điều tra từ đó kịp thời đề ra các yêu cầu điều tra có chất lượng, đảm bảo “Công tố song hành với điều tra”. Kiểm sát viên phải thực hiện đầy đủ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về tham gia lấy lời khai, hỏi cung, phúc cung, thực hiện ghi âm, ghi hình...để kịp thời đề xuất hướng giải quyết phù hợp, đúng quy định của pháp luật; hạn chế đến mức thấp nhất việc xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm, tạo cơ sở vững chắc cho quá trình truy tố, xét xử sau này.
Lãnh đạo Viện KSND tỉnh tặng Cờ thi đua dẫn đầu khối cho Phòng THQCT, KSĐT, KSXX sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội và Phòng THQCT, KSĐT, KSXX sơ thẩm án hình sự về an ninh, ma túy, kinh tế và tham nhũng, chức vụ.
Bằng việc đề ra và tổ chức thực hiện triệt để 04 giải pháp nêu trên, trong nhiều năm mà đặc biệt là 03 năm gần đây Viện KSND tỉnh Cao Bằng đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực hình sự, cụ thể: Toàn ngành Kiểm sát tỉnh Cao Bằng đã Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 1.961 nguồn tin về tội phạm (trong đó đã ban hành 1.961 văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm); tổ chức trực tiếp kiểm sát 95 cuộc về giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan điều tra và Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 2685 vụ/ 4431bị can; ban hành cáo trạng truy tố chuyển Tòa án để xét xử đối với 2498 vụ/4274 bị can; Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử 2.256 vụ/ 3.582 bị cáo không xảy ra trường hợp nào oan, sai hay bỏ lọt tội phạm. Rất nhiều chỉ tiêu thực hiện vượt so với chỉ tiêu theo Nghị quyết số 96/2019/QH14, ngày 29/11/2019 của Quốc hội khóa XIV giao cho ngành Kiểm sát nhân dân như: Số người bị bắt, tạm giữ về hình sự chuyển khởi tố luôn đạt 100% (vượt 3%), Tỷ lệ giải quyết án của Viện kiểm sát đạt 100% (vượt 5%), số bị can Tòa án xét xử theo tội danh Viện kiểm sát truy tố đúng tội danh đạt tỷ lệ 100% (vượt 02%)... Qua hoạt động kiểm sát Viện kiểm sát cả hai cấp đã chủ động tập hợp vi phạm, ban hành được 119 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra, 69 kiến nghị yêu cầu chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan áp dụng biện pháp ngăn ngừa vi phạm và tội phạm đều được chấp nhận, tổ chức thực hiện từ đó góp phần tích cực đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm tại địa phương.
Nhiệm vụ trong thời gian tới: Để trong thời gian tới công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự của cả hai cấp tiếp tục được nâng cao đáp ứng yêu cầu của Ngành trong công tác phòng, chống, đấu tranh tội phạm góp phần giữ vũng ổn định tình hình trật tự xã hội ở địa phương. VKSND tỉnh Cao Bằng tiếp tục nghiên cứu đề ra các biện pháp nhằm đổi mới trong chỉ đạo khâu công tác này như: Tiếp tục quán triệt, nắm vững và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết án hình sự; Tăng cường công tác phối kết hợp giữa các cấp kiểm sát, giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như với các cơ quan hữu quan trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự; Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo viện và phòng nghiệp vụ trong công tác kiểm sát giải quyết án hình sự, đặc biệt chú trọng đến công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ đối với VKSND các huyện, thành phố. Bên cạnh đó, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hồ sơ nhằm nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hình sự nhằm không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Đàm Thị Đương
Trưởng phòng 2, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh
Gồm: Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về an ninh - ma túy, án hình sự về kinh tế - chức vụ; Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội và Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự.