Theo truyền thống “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy” là cách nói về việc thăm họ hàng và kính trọng người lớn trong dịp Tết. Theo quan niệm xưa, cha là bên nội, mẹ là bên ngoại, có nghĩa là vào mồng một Tết, anh chị em ruột sẽ về bên nội, mồng hai là về bên ngoại, để thăm hỏi, chúc tụng, bày tỏ lòng thành kính. Đến mồng ba sẽ đi thăm thầy cô giáo để bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng đối với thầy cô của mình.
Mồng một Tết cha, Mồng hai nhà mẹ
Theo phong tục truyền thống “Mồng một Tết cha” là sáng mồng một sau khi lễ gia tiên, cha mẹ được mời ngồi vào ghế để cho con cháu lần lượt chúc Tết, mừng tuổi. Đến “Mồng hai nhà mẹ″ cha mẹ và con cháu phải sang nhà ngoại để mừng tuổi chúc Tết. Cũng tuần tự những nghi thức như bên nội vậy. Sau đó ở lại cùng ăn cỗ đầu xuân nhằm thắt chặt tình cảm giữa hai gia đình.
Nhớ những Tết xưa, cái thời chỉ đi xe đạp, nhiều gia đình chở cả nhà trên một chiếc xe, lỉnh kinh theo túi quà, sữa gạo và cả con gà buộc cạnh, đạp xe mấy chục cây số qua những cung đèo, đứa con nhỏ má đỏ hây hây ngủ ngon lành trên lưng mẹ, thỉnh thoảng giật mình tỉnh giấc khi cha vượt qua ổ gà, mắt tròn xoe ngơ ngác giữa núi đồi. Ngày nay việc di chuyển đã thuận lợi hơn nhiều, xe máy, ô tô có thể đem về cho ông bà nhiều thứ tùy theo điều kiện và lòng thành của mỗi người.
Anh Nông Bảo Long, phường Sông Hiến (Thành phố) cho biết: Nhà nội ở Trùng Khánh, nhà ngoại ở Bảo Lạc nhưng anh vẫn duy trì việc đưa cả gia đình về chúc Tết ông bà hai bên mỗi dịp Tết đến xuân về, để con cháu được gặp gỡ, ông bà vui mừng trước sự trưởng thành của con cháu. Quà Tết ngày nay cũng phong phú, mình thấy của ngon, vật lạ thì mua biếu ông bà, không nhất thiết theo kiểu truyền thống nữa.
Mồng ba Tết thầy
Sau công ơn đấng sinh thành dưỡng dục là ơn dạy dỗ của thầy cô. Đến chúc Tết thầy cô là một phong tục nói lên tư cách đạo đức của một con người. Tục chúc Tết là một nét văn hoá thể hiện tình cảm sâu sắc và sự quan tâm, lòng hiếu thảo trong một thứ tự phải có của sự tồn tại và phát triển của một dân tộc. Tuy nhiên cùng với sự phát triển, nhiều nét văn hóa đã không còn duy trì hoặc duy trì không đầy đủ. Việc “Tết thầy” ngày nay không còn được thực hiện theo đúng cách mà người xưa truyền lại.
Cô Nguyễn Thị Hồng, phường Hòa Chung (Thành phố) cho biết, là giáo viên nhưng lâu nay tục chúc Tết các thầy cô giáo dường như không còn nữa. Có lẽ cuộc sống hiện nay quá bộn bề, nhiều lo toan nên đã mất dần đi những phong tuc truyền thống tốt đẹp.
Lời chúc Tết tốt đẹp
Lời chúc trong những ngày đầu năm rất quan trọng, lời chúc tốt đẹp đem đến may mắn, suôn sẻ, thuận lợi cho cả năm. Lời chúc cũng rất phong phú, từ thơ, ca, hò, vè… nhưng nhiều người sử dụng nhất vẫn là những câu chúc mà người nhận thích nhất. Đầu tiên phải là chúc sức khỏe, rồi chúc mọi sự hanh thông thuận lợi, phúc lộc đầy nhà, ước gì được nấy. Đáng chú ý tránh phạm tên huý gia tiên, tránh nhắc tới lỗi lầm sai phạm cũ, xưng hô hợp với lứa tuổi và quan hệ thân thuộc.
Chúc Tết những người trong năm cũ không may mắn, gặp rủi ro, hoạn nạn thì động viên nhau “Của đi thay người”, “Tai qua nạn khỏi”, nghĩa là ngay trong cái hoạ cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành. Đặc biệt, những ngày đầu năm, người ta kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa.
Một phong tục không thể thiếu trong dịp chúc tết đầu năm, đó là mừng tuổi. Con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Ông bà cha mẹ cũng chuẩn bị một ít tiền nhỏ được gói trong phong bao màu đỏ để mừng tuổi cho con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích,
Quanh năm làm ăn vất vả, ít có điều kiện qua lại thăm hỏi nhau, nhân ngày Tết đến chúc mừng nhau, gắn bó tình cảm thật là đậm đà ý vị, cùng nhau nhâm nhi ly trà, viên kẹo, miếng mứt tết ngọt ngào thêm gắn kết tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm.
Nguồn tin: baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn