Hiệp định Giơnevơ năm 1954 - Khát vọng hòa bình Việt Nam

Thứ bảy - 22/07/2023 08:55
Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết ngày 20/7/1954 là một thắng lợi to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng của cách mạng nước ta. Lần đầu tiên, Chính phủ Pháp và các nước tham gia Hội nghị Giơnevơ cam kết tôn trọng, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh Tư liệu)
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh Tư liệu)
Từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ:
         Ngay từ khi thực dân Pháp có ý đồ quay lại xâm lược Đông Dương, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương giải quyết bằng các biện pháp hòa bình để tránh đổ máu. Vì vậy, Việt Nam đã ký với Pháp Hiệp định Sơ bộ (ngày 06/3/1946) và Tạm ước Việt Nam - Pháp (ngày 14/9/1946). Thế nhưng, với bản chất hiếu chiến, thực dân Pháp đã cố tình tiến hành xâm lược, buộc nhân dân Việt Nam phải đứng lên cầm vũ khí bảo vệ chủ quyền dân tộc.
Cuộc kháng chiến cứu quốc của nhân dân Việt Nam không những không bị đè bẹp mà ngày càng lớn mạnh. Đến năm 1950, quân ta chuyển sang phản công địch trên khắp các chiến trường, đặc biệt là chiến thắng Biên giới 1950 đã làm cho thực dân Pháp ngày càng thất bại, sa lầy và rơi vào thế lúng túng, bị động đối phó. Thấy rõ nguy cơ thất bại ở Đông Dương, thực dân Pháp muốn tìm cách thoát khỏi chiến tranh trong danh dự. Tuy nhiên, trước khi chịu ngồi vào bàn đàm phán, mùa hè năm 1953, thực dân Pháp được Mỹ tiếp sức đã đẩy mạnh quy mô và cường độ cuộc chiến tranh xâm lược bằng kế hoạch quân sự Na-va, nhằm giành lại quyền chủ động trên chiến trường.
          Trước tình hình đó, tháng 9/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp ở Định Hóa (Thái Nguyên) thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân năm 1953 - 1954, nhằm làm thất bại kế hoạch Na-va của địch. Trong khi thể hiện quyết tâm tiến công địch, làm thất bại kế hoạch Na-va của thực dân Pháp và kiên quyết kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng tán thành thương lượng nhằm mục đích giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam. Ngày 26/11/1953, trả lời báo Expressen (Thụy Điển), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là do Chính phủ Pháp gây ra. Nhân dân Việt Nam phải cầm vũ khí anh dũng chiến đấu bảy, tám năm nay chống kẻ xâm lược chính để bảo vệ nền độc lập và quyền tự do được sống trong hòa bình. Hiện nay nếu thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ: “Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thực sự của nước Việt Nam”.
          Ngày 26/4/1954, Hội nghị Giơnevơ bắt đầu họp về vấn đề Triều Tiên. Thời gian diễn ra Hội nghị bàn về vấn đề Triều Tiên cũng là lúc quân đội viễn chinh Pháp ở lòng chảo Điện Biên Phủ đang nguy kịch trước sự tấn công mãnh liệt của các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau khi các cứ điểm Him Lam, Độc Lập bị tiêu diệt, quân Pháp ở Bản Kéo buộc phải đầu hàng. Tại chiến trường, từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4/1954, hàng loạt cứ điểm ở khu phía Đông Mường Thanh bị tiêu diệt, quân Pháp lâm vào thế bị động, lúng túng. Từ ngày 01/5/1954, khu trung tâm của địch bắt đầu bị tiến công dồn dập. Chiều ngày 07/5/1954, Bộ chỉ huy quân đội Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đầu hàng. Chiến dịch Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam toàn thắng. Cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ kéo dài 9 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi.
          Ngay sau ngày chiến thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi quân và dân ta, đồng thời nhắc nhở: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới chỉ là bước đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để giành độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn”.
Đến Hiệp định Giơ-ne-vơ:
          Ngày 08/5/1954, một ngày sau khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ, Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương khai mạc. Với vị thế của một dân tộc chiến thắng, đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn đã đến tham dự Hội nghị. Đây là lần đầu tiên nền ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ tham gia một hội nghị quốc tế lớn trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp.
Lúc này về phía Mỹ, dù là thành viên tham gia Hội nghị, nhưng Mỹ luôn vận động lập liên minh và dọa can thiệp quân sự trực tiếp nhằm phá Hội nghị, chuẩn bị điều kiện thuận lợi để nhảy vào Đông Dương, thế chân Pháp. Thấy rõ âm mưu phá hoại tiến trình đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Giơnevơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm khẳng định: “Chúng ta phải có tinh thần cảnh giác rất cao đối với âm mưu của đế quốc Mỹ định cản trở hai bên đi đến hiệp định đình chiến và mưu mô lập khối liên minh quân sự có tính chất xâm lược, chia châu Á thành những tập đoàn đối lập để dễ xâm lược và khống chế Đông Dương và Đông Nam Á”.
          Hội nghị Giơnevơ diễn ra hết sức phức tạp với sự đấu tranh quyết liệt của đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sự dàn xếp của các nước lớn, nhất là xung quanh vấn đề phân vùng đóng quân, vấn đề tổng tuyển cử và thống nhất nước Việt Nam, vấn đề các lực lượng kháng chiến ở Lào và Cam-pu-chia... Trong điều kiện lịch sử cụ thể lúc đó, theo xu thế chung giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới bằng thương lượng, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận ký Hiệp định Giơnevơ. Như vậy, sau 75 ngày thương lượng, qua 8 phiên họp rộng và 23 phiên họp hẹp cùng các hoạt động tiếp xúc ngoại giao dồn dập đằng sau các hoạt động công khai, ngày 20/7/1954, Hiệp định Genevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia chính thức được ký kết. Ngày 21/7/1954, các nước tham dự Hội nghị đã ra một bản Tuyên bố cuối cùng và ký các văn bản Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia, tạo nên khung pháp lý của Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương.
Việc ký kết Hiệp định Hội nghị Giơnevơ là một thắng lợi to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Lần đầu tiên, Chính phủ Pháp và "mỗi nước tham gia Hội nghị Hội nghị Giơnevơ cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ...", "tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị" của Việt Nam; quân đội Pháp phải rút về nước, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn và vững chắc cho nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
          Thắng lợi tại Hội nghị Giơnevơ là thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí độc lập, khát vọng tự do và yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử. Đây cũng là thắng lợi của đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến, đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; thắng lợi của những hy sinh to lớn của nhân dân ta.
Hội nghị Giơnevơ 1954 cũng là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngoại giao Việt Nam khi lần đầu tiên bước lên vũ đài đàm phán đa phương với sự tham gia của các cường quốc, để bàn về các vấn đề liên quan đến quyền cơ bản của chính dân tộc mình. Trong bối cảnh tình hình thế giới và quan hệ quốc tế có nhiều diễn biến rất phức tạp, các nước lớn tham gia Hội nghị đều theo đuổi những mục tiêu và lợi ích khác nhau, Việt Nam đã giành được thắng lợi, mang lại những quyền lợi to lớn và chính đáng cho dân tộc.
Khát vọng hòa bình Việt Nam:
        69 năm đã đi qua, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi, nhưng Hiệp định Giơnevơ vẫn luôn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.
Trước tình hình quốc tế hết sức phức tạp, các nước lớn chi phối các quan hệ quốc tế, cần phải nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; kiên định về nguyên tắc, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” theo tư tưởng Hồ Chí Minh; tăng cường tiềm lực, nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước là nhân tố bên trong có ý nghĩa quyết định, tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động đối ngoại để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì hòa bình, ổn định cùng phát triển; phát huy vai trò của công tác đối ngoại, tăng cường đối thoại, tận dụng hết khả năng sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp, xung đột trong quan hệ với các nước, phù hợp với luật pháp quốc tế, ra sức giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định vì lợi ích của nhân dân ta và nhân dân thế giới; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại; tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, các lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
        Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc thực hiện đường lối và các chủ trương, chính sách đối ngoại trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Vì vậy, cùng với việc tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại có phẩm chất chính trị và tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt trong việc nâng cao năng lực và ý thức của tất cả các tổ chức, cơ quan, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp và từng người dân trong xử lý những vấn đề liên quan hoặc có yếu tố nước ngoài, tạo lòng tin và tình cảm tốt đẹp của nhân dân các nước đối với Việt Nam, cùng góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.
       Tự hào với truyền thống ngoại giao hòa bình, hòa hiếu, hữu nghị nhưng kiên định bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chúng ta làm hết sức mình để duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác cùng phát triển, đồng thời không ngừng đề cao cảnh giác, làm thất bại mọi mưu toan xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của đất nước ta./.

Tác giả: Tùng Linh

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video hoạt động
Screenshot 2


z5938366578357 0660a04694014cba01f06354ec63e29c


z5938342173393 e3ad0887d201d3d74066f1305a005930
Bazon SACH1
duluanxahoi
tracuu 1
bhxh2 yukp

dcs





nonnuoccb
12121hq1
Liên kết Website

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập39
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm38
  • Hôm nay1,849
  • Tháng hiện tại323,181
  • Tổng lượt truy cập4,129,371
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TUYÊN GIÁO CAO BẰNG
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Tỉnh ủy,  Km5, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3855 011  -  Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Ghi rõ nguồn https://tuyengiaocaobang.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.

  Chung nhan Tin Nhiem Mang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây