Việt Nam cần có những nghiên cứu sâu hơn về động đất

Thứ ba - 21/02/2023 02:45
(ĐCSVN) – Thời gian qua, Việt Nam liên tục xảy ra nhiều trận động đất tại huyện Kon Plông (Kon Tum). Cùng với đó, sự tàn phá nguy hiểm trong trận động đất xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào ngày 6/2 đã đặt ra cho các nước trong đó có Việt Nam cần có những nghiên cứu sâu hơn và thường xuyên đánh giá nguy hiểm về động đất để từ đó có cơ sở ứng phó phù hợp.
Bản đồ tâm chấn động đất ở Kon Tum sáng 9/2. Ảnh: Viện Vật lý địa cầu
Bản đồ tâm chấn động đất ở Kon Tum sáng 9/2. Ảnh: Viện Vật lý địa cầu

Cần có những nghiên cứu sâu hơn 

Theo Viện Vật lý địa cầu, từ giữa năm 2021 hàng trăm trận động đất đã xảy ra tại huyện Kon Plông và các huyện lân cận của tỉnh Kon Tum, trong đó nhiều trận động đất gây rung chấn diện rộng, lớn nhất là trận động đất xảy ra chiều 23/8/2022 có độ lớn 4,7 độ Richter.

Tính từ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tới nay, đã có 14 trận động đất có độ lớn trên 2,5 tại huyện Kon Plông. Cá biệt, ngày 9/2 đã có tới 5 trận động đất liên tiếp tại khu vực này. Từ thực trạng, nguyên nhân ban đầu nói trên, Viện Vật lý địa cầu kiến nghị thiết lập các mạng trạm quan sát động đất địa phương tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận, phục vụ công tác báo tin động đất kịp thời.

Đặc biệt, trước sự tàn phá và thiệt hại nặng nề về người và tài sản do trận động đất có cường độ 7,8 độ richter xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào ngày 6/2 vừa qua đã đặt ra cho các nước trong đó có Việt Nam cần có những nghiên cứu sâu hơn và thường xuyên đánh giá nguy hiểm về động đất để từ đó có cơ sở để ứng phó phù hợp.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết: Động đất được phân loại theo độ lớn từ 5-6 là động đất trung bình, từ 6-7 là động đất mạnh, từ 7-8 là động đất lớn và từ 8-9  là động đất hủy diệt.

Từ phân loại trên có thể sơ lược hiểu được về mức độ thiệt hại mà động đất có thể gây ra. Còn về chấn động hay cấp động đất được đo bằng thang động đất quốc tế MSK-64 là rung động mà động đất gây ra trên mặt đất, tác động tới mọi vật trên bề mặt. Càng gần chấn tâm, chấn động càng mạnh.

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, trong lịch sử Việt Nam, từ năm 114 tới năm 2003, Việt Nam đã ghi nhận được 1.645 trận động đất mạnh có độ lớn từ 3 trở lên. Đó là trận động đất gây chấn động cấp 8 xảy ra vào năm 114 ở bắc Đồng Hới, các trận động đất cấp 7, cấp 8 xảy ra ở Hà Nội vào các năm 1277, 1278, 1285; động đất cấp 8 ở khu vực Yên Định - Vĩnh Lộc - Nho Quan vào năm 1635; động đất cấp 8 vào năm 1821 ở Nghệ An, cấp 7 ở Phan Thiết vào các năm 1882, 1887...

Trong thế kỷ XX, Việt Nam từng ghi nhận 2 trận động đất rất lớn là động đất Điện Biên (năm 1935) với độ lớn 6,75 xảy ra trên đới đứt gẫy sông Mã. Trận lớn thứ hai là động đất Tuần Giáo (năm 1983), với độ lớn 6,8, xảy ra trên đới đứt gẫy Sơn La.

Ngoài ra, vùng ngoài khơi Nam Trung Bộ, năm 1923 cũng có 1 trận động đất với độ lớn 6,1 (thuộc ở vùng biển vũng Tàu, Phan Thiết). Trận động đất này này đi cùng hiện tượng phun trào núi lửa Hòn Choi, trên đới đứt gãy kinh tuyến 109-110.

TS Nguyễn Xuân Anh cũng cho biết, trong 20 năm trở lại đây chúng ta thấy có nhiều trận động đất xảy ra trên các đới đứt gãy ở khu vực Tây Bắc, các tỉnh Cao Bằng, Nghệ an, Thanh Hóa… có trận lớn nhất là 5.4. Đáng chú ý là có nhiều trận động đất kích thích xảy ra ở Bắc Trà My (Quảng Nam), Kon Plông ( Kon Tum), Sơn La, Lai Châu, Thừa Thiên Huế với độ lớn không quá 5…Một số trận động đất ở xa (Vân Nam, Trung Quốc, Lào…) gây rung lắc ở một số nhà cao tầng ở các đô thị Việt Nam. Những trận động đất này không gây thiệt hại lớn, phần lớn các trận động đất ở mức độ trung bình và dưới mức trung bình. Đáng chú ý là ở khu vực Quan Sơn (Thanh Hóa), động đất có gây ra nứt nhà, ở Trùng Khánh, Cao Bằng gây đá lăn từ trên núi làm người dân lo lắng.

Đánh giá những thiệt hại nặng nề từ trận động đất vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, TS Nguyễn Xuân Anh cho hay: Trận động đất ngày 6/2 vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là trận động đất lớn M=7.8 gần tiệm cận với cấp độ hủy diệt, có nhiều dư chấn mạnh xảy ra sau đó.

Tính đến ngày 17/2, trận động đất này đã khiến hơn 44.000 người chết và đa phần liên quan đến các tòa nhà bị sập, có thể liên quan đến chất lượng công trình chưa được xậy dựng theo mức chống động đất cần thiết. 

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, có rất nhiều nguyên nhân quyết định đến mức độ thiệt hại của một trận động đất. Cụ thể về độ lớn, đông đất lớn thì năng lượng càng lớn và ảnh hưởng trên diện rộng; chấn tâm nông và gần khu vực đô thị, đông dân cư thì càng có nhiều khả năng gây rung động mạnh; nền đất yếu ở khu vực bị ảnh hưởng cũng góp phần làm mức độ thiệt hại tăng lên.

Bên cạnh đó, chất lượng xây dựng công trình chống chịu các trận động đất ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ thiệt hại. Ngoài ra có các yếu tố khác như thời điểm xảy ra động đất vào buổi sáng sớm cũng làm cho thiệt hại có thể tăng do nhiều người đang ở trong nhà, các trang thiết bị, nguồn lực cứu nạn cứu hộ sau khi động đất xảy ra, các diễn tập, kỹ năng của người dân về phòng chống động đất đều ảnh hưởng đến mức độ thiệt hại.

Duy trì mạng trạm quốc gia quan sát động đất

Từ thảm họa động đất xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria và đề xuất những kinh nghiệm phòng tránh để giảm thiệt hại xảy ra, TS Nguyễn Xuân Anh cho biết: Động đất không thể tránh nhưng chúng ta có thể giảm nhẹ thiệt hại nếu động đất lớn xảy ra.

Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu khuyến cáo, trước hết cần phải duy trì mạng trạm quốc gia quan sát động đất để có số liệu về hoạt động động đất chi tiết nhất có thể. Tiếp theo, cần có chương trình định kỳ vài năm một lần cập nhật về nguy hiểm động đất và đánh giá rủi ro do động đất  trên quy mô cả nước, trong đó chi tiết hơn cho các khu vực độ thị, đông dân cư, công trình trọng điểm có khả năng bị ảnh hưởng của động đất.

TS Nguyễn Xuân Anh cũng cho rằng, việc cập nhật này sẽ cung cấp số liệu đầu vào cho các cơ quản quản lý ban hành các quy định, tiêu chuẩn kháng chấn phù hợp cho các công trình xây dựng, sử dụng thông tin trên trong công tác quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng … Công tác ứng phó với động đất gần đây cho thấy ngoài việc đánh giá nguy hiểm động đất tự nhiên, cần thiết thực hiện đánh giá nguy hiểm do động đất kích thích có thể xảy ra khi xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi…

“Các kiến thức sinh tồn trong khi động đất xảy ra tưởng chừng rất đơn giản nhưng rất hữu ích có khi cứu cả mạng sống như cần chui xuống gầm bàn hay đồ vật chắc chắn để trú ẩn, khi ở ngoài tránh xa các nhà cao tầng… Vì vậy, hàng năm, người dân cần được tuyên tuyên truyền, hướng dẫn về ảnh hưởng của động đất đến nhà cửa, cách phòng tránh và ứng phó khi động đất xảy ra”, TS Nguyễn Xuân Anh cho biết./.

 

Nguồn tin: dangcongsan.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video hoạt động
Screenshot 2


z5938366578357 0660a04694014cba01f06354ec63e29c


z5938342173393 e3ad0887d201d3d74066f1305a005930
Bazon SACH1
duluanxahoi
tracuu 1
bhxh2 yukp

dcs





nonnuoccb
12121hq1
Liên kết Website

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm14
  • Hôm nay3,823
  • Tháng hiện tại325,155
  • Tổng lượt truy cập4,131,345
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TUYÊN GIÁO CAO BẰNG
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Tỉnh ủy,  Km5, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3855 011  -  Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Ghi rõ nguồn https://tuyengiaocaobang.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.

  Chung nhan Tin Nhiem Mang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây