Việt Nam thuộc top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng
Theo BTC, Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có dân số sử dụng mạng xã hội tích cực nhất trên thế giới với khoảng 76,95 triệu người dùng, chiếm 78,1% dân số. Mạng xã hội không còn chỉ đơn thuần là phương tiện truyền đạt thông tin mà còn là công cụ hữu hiệu trong việc truyền bá các sản phẩm văn hóa, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, sáng tạo và phổ biến những giá trị văn hóa mới....
Tuy nhiên, nó cũng có những tác hại khôn lường. Vì những tính năng, tiện ích mà mạng xã hội mang lại, nhiều người không kiểm soát được hành vi và cảm xúc của mình, bỏ bê công việc học tập thay vào đó là lướt web, xem phim, tham gia những hội nhóm tiêu cực. Và từ đó tạo ra những xu hướng mới như: chửi bới, lăng mạ, hạ nhục người khác, dùng những từ ngữ thiếu văn hoá và những hành động thiếu suy nghĩ. Vì vậy đã dẫn tới nhiều hệ luỵ nghiêm trọng và những hậu quả không thể lường trước được.
Nếu tìm kiếm từ khoá “ứng xử kém văn minh” thì ngay lập tức kết quả trả về trên google là 17.400.000 trong vòng 0,36 giây. Theo khảo sát mới được công bố của Microsoft, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng (DCI). Kết quả này được Microsoft công bố nhân ngày quốc tế An toàn Internet. Hiện Việt Nam đứng thứ 5 sau Nga, Colombia, Peru và Nam Phi. Cuộc khảo sát của Microsoft cho thấy văn hoá ứng xử của người Việt chúng ta đang dần bị mai một. Điều này đã vô tình đầu độc và tiêm nhiễm cả tương lai của một thế hệ trẻ sau này.
Nhà báo Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty LeBros nhận định, không gian mạng hay mạng xã hội đem lại nhiều mặt tích cực, đó là kết nối mọi người, chia sẻ thông tin, lan tỏa những hành động tốt đẹp, hỗ trợ, giúp đỡ những người khó khăn, hoạn nạn. Song song với đó, không gian mạng cũng ẩn chứa những điều tiêu cực, như hành vi nói tục, chửi bậy; lên án, phê phán người khác thiếu cơ sở… Điều này gây ảnh hưởng đến giới trẻ - những người ít có khả năng miễn nhiễm với “sự tấn công” trên mạng, nhất là từ hành động, lời nói của người có tầm ảnh hưởng, nghệ sĩ… mà họ hâm mộ.
"Chúng ta tưởng rằng những thứ rác rưởi trên mạng xã hội đó để vui chơi thôi, nhưng thực ra nó đang tấn công con người. Nhiều người xem và bức xúc. Tôi nhiều lần cáu giận khi bị bôi xấu trên mạng. Tất cả những người khác đọc được những thông tin nói xấu mình, gia đình mình, dối trá thì sẽ phải đối mặt với những cơn sốc tinh thần. Đặc biệt là giới trẻ, họ không có nhiều khả năng miễn nhiễm trên không gian mạng. Có khả năng tổn thương rất cao. Những ngôn từ trên mạng có khả năng dìm chết một người", nhà báo Lê Quốc Vinh nói.
Nâng cao văn hóa ứng xử của những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội
GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, nghệ sĩ và giới trẻ là hai đối tượng quan trọng trên không gian mạng. Nghệ sĩ là những người có tầm ảnh hưởng và lan tỏa đến xã hội, còn giới trẻ là lực lượng xuất hiện đông đảo, năng động, dành nhiều thời gian tham gia không gian mạng.
Theo GS.TS Từ Thị Loan, thay vì phải thông qua những thiết chế văn hóa như trước đây, trên không gian mạng, nghệ sĩ có thể công bố tác phẩm của mình, đưa đến công chúng những sản phẩm sáng tạo nhanh chóng. Cùng với đó, có nhiều nghệ sĩ đã sử dụng mạng xã hội để làm công tác thiện nguyện, công tác xã hội, tuyên truyền, lan tỏa những hành động đẹp.
Song có một bộ phận người hoạt động nghệ thuật có ứng xử xấu xí trên không gian mạng như tranh cãi, đấu tố đồng nghiệp, quảng cáo sai sự thật nhằm thu lợi…
“Các nghệ sĩ có cái tôi lớn, bệnh ngôi sao và nghĩ bản thân là người của công chúng. Do đó, họ luôn tìm cách để thu hút sự chú ý từ công chúng. Tuy nhiên, cách làm đôi khi bị lố, thậm chí có nhiều hành động phản cảm và lạm dụng mạng xã hội để giải quyết mâu thuẫn, bóc phốt, đấu tố nhau. Nhiều người thậm chí lợi dụng mạng xã hội để quyên góp tiền từ thiện nhưng không minh bạch”, GS.TS Từ Thị Loan cho biết.
“Nếu không có hành động quyết liệt để nâng cao văn hóa ứng xử của những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội thì sẽ tác động rất lớn đến thế hệ tương lai của đất nước”, GS.TS Từ Thị Loan bày tỏ.
Ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, Bộ VHTT&DL đã ban hành bộ quy tắc ứng xử cho những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Quy tắc có 9 điều với điều 8 liên quan đến vấn đề ứng xử trên mạng xã hội. Theo đó, giới nghệ sĩ phải ứng xử văn hóa và việc hạ bệ, văng tục là không nên.
Để ứng xử trên mạng văn minh hơn cũng như chấn chỉnh tình trạng một số cá nhân nghệ sĩ, KOLs và giới trẻ vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa thông qua Quyết định 512 về việc cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Quyết định 3196 về việc ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Những người vi phạm có thể bị hạn chế hoạt động.
Về vấn đề này, ông Trần Hướng Dương trao đổi: “Quan điểm của tôi là không dùng từ phong sát, cấm sóng với những người làm nghệ thuật, bởi việc này không phù hợp văn hóa, điều kiện đất nước. Ở nước ta, mọi vi phạm đều được xử lý theo pháp luật. Về phía cơ quan nhà nước, chúng tôi sẽ có nhiều biện pháp tiếp theo để làm sạch không gian mạng và lĩnh vực nghệ thuật”.
Ông nói thêm: “Chúng tôi đang làm việc với một số bộ ngành để đưa ra quy chế hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của những người hoạt động nghệ thuật nhưng có hành động vi phạm pháp luật, đạo đức. Sẽ có những hình thức nghiêm khắc và khung pháp lý để xử lý nghệ sĩ có hành vi sai trái, thậm chí có thể có những biện pháp mạnh, chẳng hạn không cho xuất hiện. Hy vọng quy chế được áp dụng sớm hơn tháng 10”./.
Nguồn tin: vov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn