Trang Thông tin điện tử Tuyên giáo Cao Bằnghttp://tuyengiaocaobang.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 29/12/2023 02:12
Chiều 28/12, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2009 - 2023) theo hình thức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương (Hà Nội) có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án; PGS,TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và các đồng chí đại diện các bộ, ngành liên quan. Dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh uỷ Cao Bằng có đồng chí Bế Thanh Tịnh, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; các đồng chí đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan; đại diện Thường trực cấp uỷ và lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Tuyên huấn Đảng uỷ Bộ đội Biên phòng tỉnh; đại diện Thường trực cấp uỷ và cán bộ trực tiếp thực hiện quản lý sách trang bị cho cơ sở; lãnh đạo và chuyên viên Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ. Từ năm 2009 đến năm 2023, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn nhằm góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị cấp cơ sở, nâng cao dân trí cho các tầng lớp nhân dân, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới. Qua 15 năm triển khai thực hiện, đến nay, Đề án đã trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước gần 600 đầu sách (gồm sách giấy, sách điện tử như đĩa CD-ROM và CD Audio), với tổng số hơn 14 triệu bản in. Đặc biệt, từ năm 2020, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã số hóa đầu sách của Đề án, xây dựng “Thư viện điện tử sách xã, phường, thị trấn”, qua đó đã thu hút được hơn 700 nghìn lượt đọc, tra cứu, học tập miễn phí các cuốn này… Nội dung sách của Đề án chủ yếu về kiến thức về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở; cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; chủ quyền biên giới, hải đảo; xây dựng nông thôn mới; phổ biến kiến thức pháp luật; kỹ thuật trong nông nghiệp; kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ trong hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn;… Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn góp phần giúp cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân có thêm thông tin chính thống, khách quan, khoa học về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đáp ứng kịp thời nhu cầu tự nghiên cứu, tham khảo, học tập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và nhân dân ở các xã, phường, thị trấn, hình thành văn hóa đọc ở cơ sở. Bên cạnh những kết quả đã đạt, việc triển khai Đề án còn nhiều khó khăn như một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của Đề án; số lượng sách gửi về cơ sở còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu; còn nhiều xã, phường, thị trấn chưa có phòng đọc riêng; thiếu trang thiết bị phục vụ người đọc; cán bộ quản lý khai thác và sử dụng sách cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được tập huấn nghiệp vụ nên vẫn còn để xảy ra tình trạng thất thoát sách… Tại hội nghị, các đại biểu tập trung tham luận về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Đề án; nhu cầu đọc và văn hóa đọc; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án; đề xuất những giải pháp triển khai thực hiện thời gian tới. Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã góp phần cụ thể hóa chủ trương hướng về cơ sở, gần dân, phục vụ Nhân dân của Đảng; góp phần phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế. Đồng thời đề nghị thời gian tới, các cấp uỷ Đảng, hệ thống chính trị, tiếp tục quán triệt, tinh thần của Đề án và nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện; nắm bắt nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa của người dân; nghiên cứu xu hướng để lựa chọn nội dung, hình thức thể hiện nhằm truyền tải đến người dân hiệu quả hơn; chú trọng hơn nữa việc giữ gìn văn hóa truyền thống; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xã hội hóa đầu tư xây dựng công trình văn hóa ở cơ sở; trên cơ sở giữ gìn phương thức tuyền tải thông tin truyền thống cần đẩy mạnh việc đọc sách trên không gian mạng và mạng xã hội. Dịp này, Ban Tuyên giáo Trung ương tặng bằng khen cho 11 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện Đề án.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa trao bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho tập thể có thành tích xuất sắc.