Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam

Thứ sáu - 02/02/2024 04:35
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Không những khắc phục được sự không thống nhất về tổ chức mà còn chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị. Đảng ra đời gánh vác sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng Việt Nam, phấn đấu vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Khi dân tộc có Đảng lãnh đạo đã viết tiếp những trang sử vàng chói lọi, lập nên nhiều chiến công rạng rỡ… Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta chính là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 03/02/1930 (Ảnh tư liệu)
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 03/02/1930 (Ảnh tư liệu)
      Trước sự xâm lược của thực dân Pháp, các phong trào yêu nước của nhân dân ta chống thực dân Pháp diễn ra sôi nổi, liên tục nhưng do thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết nên tất cả đều không thành công. Cách mạng Việt Nam khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước. Giữa lúc dân tộc ta đang rơi vào bế tắc, nhiều nhà yêu nước tiếp tục con đường cứu nước theo lối cũ thì ngày 05/6//1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (tức Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sau này) ra đi tìm con đường cứu nước theo phương hướng mới. Người đã đi qua nhiều nước châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và đã phát hiện ra: chính chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc thực dân là cội nguồn mọi đau khổ của công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các thuộc địa.
      Năm 1920, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lê nin; đây không chỉ là bước ngoặt đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, mà còn là bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Lý luận của chủ nghĩa Mác-Lê nin đã soi rọi cho Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc thì "Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức quần chúng; ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”[1]Từ nhận thức đó, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ra sức chuẩn bị mọi mặt về tư tưởng, lý luận, chính trị và tổ chức cho việc thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên (HVNCMTN) từng bước truyền bá có hệ thống chủ nghĩa Mác - Lê nin vào trong nước, đưa phong trào công nhân chuyển dần từ tự phát lên tự giác; đưa phong trào yêu nước chuyển dần sang lập trường cộng sản.
      Đầu năm 1929, trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng nước ta, tổ chức HVNCMTN không còn thích hợp và đủ sức lãnh đạo phong trào, cần phải thành lập một đảng cộng sản ở Việt Nam. Thành lập Đảng là yêu cầu khách quan, đồng thời cũng có đủ những điều kiện cần thiết về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Để thúc đẩy quá trình thành lập Đảng, tháng 3/1929, một số đồng chí trong Kỳ bộ Bắc Kỳ HVNCMTN đã họp ở số nhà 5D phố Hàm Long (Hà Nội) quyết định thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên gồm bảy người. Đầu tháng 5/1929, tại Đại hội toàn quốc của HVNCMTN ở Hương Cảng, đoàn đại biểu Bắc Kỳ đưa ra đề nghị thành lập Đảng Cộng sản nhưng không được chấp thuận. Ngày 17/6/1929, những đảng viên trong Chi bộ Cộng sản 5D Hàm Long đã tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Sau đó, An Nam Cộng sản Đảng được thành lập ở Nam Kỳ và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được thành lập ở Trung Kỳ.
      Chỉ trong một thời gian ngắn, ở Việt Nam đã có ba tổ chức cộng sản được tuyên bố thành lập. Điều đó phản ánh xu thế tất yếu của phong trào đấu tranh cách mạng ở Việt Nam. Song sự tồn tại của ba tổ chức cộng sản hoạt động biệt lập trong một quốc gia có nguy cơ dẫn đến chia rẽ lớn. Yêu cầu bức thiết của cách mạng là cần có một Đảng thống nhất lãnh đạo. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc của dân tộc Việt Nam, người duy nhất có đủ năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử: thống nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam.
Trước tình hình đó, với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến cách mạng Đông Dương, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã từ Thái Lan đến Hương Cảng (Trung Quốc) vào cuối năm 1929 để thực hiện sứ mệnh và nhiệm vụ lịch sử trọng đại: thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ ngày 03 đến 07/02/1930, Người đã chủ động triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc); tham dự Hội nghị có 02 đại biểu Đông Dương Cộng sản Đảng, 02 đại biểu An Nam Cộng sản Đảng. Dưới sự chủ trì của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đại biểu của Quốc tế Cộng sản, Hội nghị đã nhất trí thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thông qua các văn kiện: Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Lời kêu gọi của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và những người cộng sản Việt Nam gửi đến công nhân, nông dân, đồng bào, đồng chí cả nước nhân dịp thành lập Đảng. Những văn kiện quan trọng này đều do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo.
      Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản có ý nghĩa như là một đại hội thành lập Đảng, các văn kiện được thông qua tại Hội nghị hợp nhất do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi thảo chính là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Cương lĩnh đã đặt ra và giải quyết những vấn đề cơ bản, cấp thiết và định hướng chiến lược đúng đắn cho tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Sự kiện thành lập Đảng được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng quyết định lấy ngày 03/02 dương lịch hàng năm là ngày kỷ niệm thành lập Đảng.
     Ngày 24/02/1930, theo đề nghị của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời ra quyết định chấp nhận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
     Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, với một đường lối chính trị đúng đắn đã tạo nên sự thống nhất về tư tưởng, chính trị và hành động của phong trào cách mạng Việt Nam. Đó là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và đấu tranh giai cấp, là sự khẳng định vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt Nam và hệ tư tưởng Mác - Lênin đối với cách mạng Việt Nam.
     Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin – tư tưởng cách mạng tiên tiến của thời đại với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam với Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã quyết định nội dung, xu hướng phát triển của xã hội Việt Nam là giành độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam.
     Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt quyết định tiến trình phát triển của dân tộc ta, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo cách mạng Việt Nam, mở ra con đường và phương hướng phát triển mới cho đất nước Việt Nam. Chính đường lối này là cơ sở đảm bảo cho sự tập hợp lực lượng và sự đoàn kết, thống nhất của toàn dân tộc có cùng chung tư tưởng và hành động để tiến hành cuộc cách mạng vĩ đại, giành được những thắng lợi to lớn sau này. Đây cũng là điều kiện cơ bản quyết định phương hướng phát triển, bước đi của cách mạng Việt Nam trong suốt 94 năm qua. Đánh giá ý nghĩa của sự kiện thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”1.
     Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã mở đầu một thời đại mới của cách mạng Việt Nam: thời đại Hồ Chí Minh - thời kỳ vẻ vang nhất trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Từ khi thành lập cho đến nay, Đảng luôn thể hiện rõ là một đảng cách mạng chân chính, hội tụ sức mạnh của dân tộc, của giai cấp, là đội tiên phong của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam, lãnh đạo nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, tạo tiền đề và là nhân tố quyết định đưa cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi vĩ đại như: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đưa đến sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, làm thay đổi cả vận mệnh dân tộc, thay đổi cả thân phận của người dân Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; thắng lợi của hai cuộc kháng chiến oanh liệt chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; thắng lợi của sự nghiệp đổi mới và từng bước xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Những thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam suốt 94 năm qua đã minh chứng cho tầm vóc bản lĩnh, trí tuệ của Đảng, củng cố niềm tin sâu sắc của Nhân dân với Đảng trên con đường lãnh đạo xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
     Tự hào về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại – người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, nguyện đi theo Đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp tục lãnh đạo Nhân dân ta đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc./.
 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, t.2, tr.289.
1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.406. 
 

Tác giả: Triệu Thị Thu Trang

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video hoạt động



Bazon SACH1
duluanxahoi
tracuu 1
bhxh2 yukp

dcs





nonnuoccb
12121hq1
Liên kết Website

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập34
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm30
  • Hôm nay4,894
  • Tháng hiện tại66,088
  • Tổng lượt truy cập3,533,556
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TUYÊN GIÁO CAO BẰNG
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Tỉnh ủy,  Km5, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3855 011  -  Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Ghi rõ nguồn https://tuyengiaocaobang.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.

  Chung nhan Tin Nhiem Mang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây