Phòng, chống tham nhũng có vai trò quan trọng với công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp và quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là vấn đề vẫn luôn thời sự không chỉ bởi những vụ án, mà còn bởi quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Gần đây nhất, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh, thành phố.
Cùng với đó, nhiều quy định mới để “bịt” những khoảng trống về cơ chế kiểm soát quyền lực, giải pháp đột phá được đưa ra. Đó là Quy định 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Kết luận số 12-KL/TW ngày 6/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
Và việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán được ban hành ngày 27/10/2023 được nhiều người đánh giá sẽ là một "thanh bảo kiếm" của tổ chức Đảng, chính quyền và các cơ quan hành pháp soi rọi vào quá trình kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng. Đây cũng là kim chỉ nam cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân giám sát trước hành vi tiêu cực, tham nhũng, những hiện tượng coi thường phép nước và kỷ cương của Đảng.
Cụ thể, Quy định 131-QĐ/TW nêu rõ, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm, nhất là hành vi lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Vì thế nhiều người kỳ vọng, văn bản quan trọng này sẽ góp phần phòng ngừa và xử lý các vi phạm. Bởi khi giao quyền lực cho cán bộ mà thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hay kiểm soát chưa chặt chẽ sẽ dẫn tới tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để sai phạm. Trong khi đó, thời gian qua, không ít những vi phạm xảy ra trong chính các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thậm chí đã phải xử lý hình sự, gây bức xúc trong dư luận.
Chưa hết, Quy định 131-QĐ/TW đã nhận diện sự "tha hóa quyền lực" có thể xảy ra, đưa ra chuẩn mực hành động và tuyên chiến với tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực rất nhạy cảm này. Quy định cũng nêu rõ các nguyên tắc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra giám sát, thi hành kỷ luật Đảng chặt chẽ hơn.
Đặc biệt, các nhóm hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán đã được liệt kê; trách nhiệm cùng từng cấp, từng ngành được chỉ rõ. Điều đó được thể hiện rõ tại 22 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng...
Với quy định cụ thể như vậy, nhiều người kỳ vọng, Quy định 131-QĐ/TW sẽ góp phần kiểm soát được tổ chức, người có trọng trách kiểm tra, kiểm toán, hạn chế tối đa việc thông cung, “chạy tội”, “chạy án”, “chạy chức”, “chạy quyền” của người có khuyết điểm, tránh tình trạng "mang tiêu cực đi đánh tiêu cực"; dùng quyền lực, chức vụ của mình để bổ nhiệm con, cháu, vợ, chồng vào vị trí lãnh đạo, vào vị trí có nhiều nguồn thu nhập….
Đồng thời, hạn chế kéo bè, kéo cánh để đe dọa người không đồng quan điểm hoặc người phát hiện ra mình có những khuất tất trong quá trình công tác; ngăn chặn và xử lý kịp thời việc "tham nhũng, hối lộ tập thể", khống chế thói hư, tật xấu, hống hách, cửa quyền và bệnh quan liêu cũng như tư tưởng "dưới một người, trên nhiều người".
Một số chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng Đảng đánh giá, việc xây dựng và ban hành Quy định số 131-QĐ/TW sẽ góp phần bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; nâng cao hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong các hoạt động này.
Từ đó, sẽ tạo sự minh bạch hơn nữa, cơ chế kiểm soát hiệu quả hơn đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán…, ngăn chặn tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”, phục vụ động cơ cá nhân trong thực thi công vụ.
Có thể nói rằng, khi cuộc chiến với “giặc nội xâm” vẫn còn rất cam go, nhiều thách thức, đòi hỏi phải rất kiên trì, không ngừng nghỉ, để quét sạch những cán bộ hư hỏng, thoái hóa, biến chất ở mọi cấp, mọi lĩnh vực. Trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là đột phá, quan trọng. Việc có thêm các quy định như nêu trên để đồng bộ, hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, kiểm soát quyền lực; răn đe nghiêm khắc vi phạm là hết sức quan trọng.
Và chúng ta tin tưởng rằng, cùng với kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, việc nâng cao hơn nữa việc kiểm soát quyền lực của người có thẩm quyền, hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước bảo đảm khách quan, minh bạch… được đẩy mạnh như hiện nay, sẽ góp phần bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể”, “không dám” tham nhũng../.
Nguồn tin: dangcongsan.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn