Bế mạc Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024

Chủ nhật - 15/09/2024 22:17
Chiều ngày 15/9/2024, tại Cao Bằng, Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tổ chức phiên bế mạc, có hơn 800 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.
Đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị phát biểu tại Hội nghị.
Đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị phát biểu tại Hội nghị.
Đại biểu tổ chức UNESCO và Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO có các ông, bà: Ông Jin XiaoChi, Phó Chủ tịch Ban điều hành Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, Điều phối viên Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Ông Guy Martini, Tổng thư ký Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO; Patricia Granet-Brunello, Thị trưởng Gigne-les-Bains kiêm chủ tịch Provence Alpes Agglomération (Pháp).  Đại biểu Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Đào Quyền Trưởng, Phó vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO. Về phía tỉnh Cao Bằng có các đồng chí: Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị; Thành viên Ban Tổ chức Hội nghị; trưởng, phó các Tiểu ban Hội nghị.
 
Các đại biểu dự bế mạc Hội nghị APGN lần thứ 8.

Tại Hội nghị, tổ chức UNESCO và Mạng lưới CVĐC toàn cầu trao Giấy chứng nhận cho các thành viên có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO; các quyết định cho 06 CVĐC vừa được công nhận là CVĐC toàn cầu UNESCO năm 2024; trao giải “Cuộc thi ảnh đẹp về Hội nghị quốc tế lần 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”“Cuộc thi tìm hiểu về Danh hiệu CVĐC toàn cầu, Mạng lưới Châu Á - Thái Bình Dương và Mạng lưới CVĐC Việt Nam”.
Với chủ đề “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng Công viên địa chất”, Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á Thái Bình Dương năm 2024 đã ra Tuyên bố Cao Bằng, với nội dung chính lấy  “Nhân dân” là trung tâm.
Ông Jin XiaoChi, Phó Chủ tịch Ban điều hành Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, Điều phối viên Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Ông Guy Martini, Tổng thư ký Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO ký Tuyên bố Cao Bằng.

Tuyên bố Cao Bằng nêu rõ:
Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO cần chủ động thu hút cộng đồng địa phương, người dân tộc thiểu số với tư cách là các bên liên quan chính trong Công viên Địa chất. Cần phải xây dựng và thực hiện kế hoạch đồng quản lý, trong đó đáp ứng nhu cầu kinh tế - xã hội, đồng thời bảo vệ cảnh quan nơi sinh sống và bảo tồn bản sắc văn hóa của cộng đồng địa phương, người dân tộc thiểu số. Cộng đồng địa phương cần được thêm vào trong quá trình lập kế hoạch và quản lý khu vực; các bên liên quan, chính quyền địa phương và khu vực có liên quan đều được đại diện trong quá trình quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Khẳng định vai trò của cộng đồng địa phương, người dân tộc thiểu số trong việc xác định, bảo tồn và quảng bá các khu vực Công viên Địa chất. Với cách tiếp cận lấy Nhân dân làm trung tâm, cộng đồng địa phương là các bên liên quan và tham gia vào quy trình xác định, đề cử, quản lý và bảo tồn Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO cũng như trong việc quảng bá di sản.
Khẳng định rằng sự đa dạng về địa chất, sinh học và văn hóa có mối liên hệ mật thiết và phụ thuộc lẫn nhau. Các hoạt động của con người có thể phù hợp với các giá trị của Công viên Địa chất khi được thực hiện theo cách bền vững về mặt sinh thái. Cần tính đến bối cảnh kinh tế - xã hội và mối quan hệ giữa các bên liên quan trong việc đánh giá một cách toàn diện về tầm quan trọng của di sản ở các cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu.
Xác định, bảo tồn và tối ưu hóa việc khai thác di sản phi vật thể để chuyển tải những câu chuyện về các quá trình địa chất, lịch sử miền đất, văn hóa, nghi lễ, tín ngưỡng của người dân địa phương, để thu hút sự tham gia của của cộng đồng địa phương và tăng cường tiềm năng du lịch của Công viên Địa chất.
Sự cần thiết của việc bảo tồn và phát huy ngôn ngữ địa phương, ngôn ngữ dân tộc thiểu số và các tri thức liên quan trong khu vực Công viên Địa chất.
Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, đóng góp vào 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, đặc biệt là xoá đói giảm nghèo, giáo dục có chất lượng, hợp tác, hành động vì khí hậu/giảm thiểu biến đổi khí hậu, giảm bất bình đẳng và bình đẳng giới.
Ghi nhận giá trị của Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất khu vực châu Á Thái Bình Dương; kêu gọi tăng cường thêm các hành động để thực hiện các ý tưởng ở cấp địa phương cũng như ở cấp khu vực và quốc tế, với mục tiêu thiết lập một khuôn khổ toàn diện cho công viên địa chất bảo tồn và phát triển bền vững, xây dựng tầm nhìn dài hạn cho Mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu; tăng cường trao đổi kiến thức và khuyến nghị những chính sách cho các hoạt động thực tiễn, thúc đẩy các chương trình quản lý rủi ro và giảm nhẹ thiên tai trong các công viên địa chất; tăng cường các chương trình giáo dục và xây dựng năng lực để trao quyền cho thanh thiếu niên trong công tác bảo tồn công viên địa chất.
Tại phiên bế mạc, Ban Tổ chức trao cờ tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 9 Công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2026 được tổ chức tại Langkawi, Kedah, Malaysia.
Ban Tổ chức trao cờ tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 9 Công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2026 cho đại diện Malaysia.
Trước đó, từ ngày 08-15/9, trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã diễn ra các cuộc họp của Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu để đánh giá các hồ sơ thẩm định và tái thẩm định, cuộc họp của Ban điều phối và Ban cố vấn của Mạng lưới Công viên địa chất khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tổ chức 06 phiên hội thảo chuyên đề khoa học với hơn 160 bài tham luận.

Tác giả: Lý Thị Hoa

  Ý kiến bạn đọc

Video hoạt động



Bazon SACH1
duluanxahoi
tracuu 1
bhxh2 yukp

dcs





nonnuoccb
12121hq1
Liên kết Website

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập90
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm88
  • Hôm nay4,127
  • Tháng hiện tại97,586
  • Tổng lượt truy cập3,565,054
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TUYÊN GIÁO CAO BẰNG
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Tỉnh ủy,  Km5, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3855 011  -  Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Ghi rõ nguồn https://tuyengiaocaobang.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.

  Chung nhan Tin Nhiem Mang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây