Tham dự có các đồng chí Nông Thanh Tùng - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Vũ Hồng Quang - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Công an tỉnh; Lê Hải Hòa - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Cao Bằng; các đồng chí Tỉnh uỷ viên; lãnh đạo các ban xây dựng Đảng, các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang; nguyên lãnh đạo tỉnh, Thành phố qua các thời kỳ và 600 đại biểu là cán bộ, đảng viên, học sinh trên địa bàn Thành phố.
Quang cảnh buổi nói chuyện.
Tại chương trình, các đại biểu được nghe Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Trưởng, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng giới thiệu về tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Hoàng Đình Giong và đồng chí Hoàng Văn Nọn đối với cách mạng Việt Nam và quê hương Cao Bằng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Trưởng, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng
giới thiệu về tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Hoàng Đình Giong và đồng chí Hoàng Văn Nọn
đối với cách mạng Việt Nam và quê hương Cao Bằng.
Đồng chí Hoàng Đình Giong (tức Hoàng, Lầu Voòng, Trần Tin, Nam Bình, Văn Tư, Võ Văn Đức, Vũ Đức, Lê Minh, Cụ Vũ), người dân tộc Tày, sinh ngày 01/6/1904, tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng, về sau chuyển sang Nà Toản, xã Xuân Phách (nay là phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng). Đồng chí là một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam và của tỉnh Cao Bằng. Từ một người thanh niên học sinh yêu nước, đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1926, được kết nạp vào Đảng cùng với đồng chí Hoàng Văn Thụ từ năm 1929 và được bầu làm Bí thư Chi bộ hải ngoại Long Châu. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập, trở thành một trong những chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời sớm tại khu vực miền núi biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc. Đồng chí đã có công trong việc chỉ đạo tổ chức gây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở Cao Bằng và Lạng Sơn, gây dựng củng cố lại tổ chức Đảng và quần chúng ở Hải Phòng, Quảng Ninh; năm 1935, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng tại Đại hội lần thứ I của Đảng ở Ma Cao (Trung Quốc) và được phân công phụ trách Xứ uỷ Bắc Kỳ. Đồng chí bị địch bắt cầm tù từ tháng 02/1936 cho đến tháng 10/1944. Dù phải chịu cực hình qua nhiều nhà tù của địch ở trong nước và ngoài nước, đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, khôn khéo đấu tranh để ra tù về nước tiếp tục hoạt động. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được Bác Hồ gặp mặt, vinh dự được Bác đặt tên mới là Võ Văn Đức và giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng Bộ đội Nam tiến vào Nam Bộ đánh thực dân Pháp xâm lược. Đồng chí đã trải qua các cương vị: Chủ nhiệm chính trị Bộ (Chính uỷ) Quân Giải phóng Nam Bộ, Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) đầu tiên của Khu 9, Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) Khu 6. Năm 1947, đồng chí hy sinh tại Khu VI (Ninh Thuận). Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Đình Giong gắn liền với những chiến công hiển hách của đất nước và quê hương cách mạng Cao Bằng. Ghi nhận những cống hiến và công lao đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, năm 1998 Đảng và Nhà nước đã truy tặng đồng chí Hoàng Đình Giong huân chương cao quý - Huân chương Hồ Chí Minh; năm 2009 được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và năm 2018 được Đảng và Nhà nước công nhận là lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Hoàng Văn Nọn (tức Hoàng Như, Hoàng Tú Hưu, Tú Hưu, Hoàng Ngọc Như, Văn Tân, Hoàng Lương Hữu, Thiết, Hoàng Vĩnh Tuy), sinh năm 1906, tại làng Nà Toàn, xã Xuân Phách, nay thuộc phường Đề Thám (Thành phố). Khi còn nhỏ, được gia đình cho đi học, được giáo dục về truyền thống yêu nước của dân tộc. Năm 1926, đồng chí Hoàng Văn Nọn theo những người yêu nước sang Long Châu (Trung Quốc) và gặp đồng chí Hoàng Đình Giong. Giữa năm 1928, đồng chí được kết nạp vào tổ chức Việt Nam cách mạng Thanh niên. Tháng 12/1929, đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và thành lập Chi bộ ở Long Châu (Trung Quốc), đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư chi bộ. Được Đảng phân công trở về Cao Bằng hoạt động. Ngày 1/4/1930, tại Nặm Lìn, thôn Hào Lịch, xã Hoàng Tung (Hòa An), đồng chí Hoàng Văn Nọn thay mặt Chi bộ Long Châu kết nạp 2 đồng chí tiêu biểu trong Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở tỉnh là Lê Đoàn Chu (tức Lê Mới, Nam Cao) và Nông Văn Đô (tức Bích Giang) vào Đảng Cộng sản Việt Nam và tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng ở Cao Bằng do đồng chí Hoàng Văn Nọn làm Bí thư. Ðây là chi bộ đảng đầu tiên ở Cao Bằng, ngay từ lúc được thành lập, Chi bộ đã làm nhiệm vụ như Ban Tỉnh uỷ lâm thời, lãnh đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh. Đồng chí là một trong những cán bộ tiền bối, Bí thư Chi bộ, Bí thư Tỉnh uỷ đầu tiên của Cao Bằng, Bí thư Xứ uỷ Trung - Bắc Kỳ, nguyên Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa I, nguyên Thường vụ Trung ương Đảng khóa I.... đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, có nhiều đóng góp cho Cao Bằng và sự nghiệp cách mạng của cả nước, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Cùng với phần thưởng cao quý đó, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Cao Bằng đã dành một trong những con đường to, đẹp tại trung tâm thành phố Cao Bằng mang tên Hoàng Như- một trong những bí danh của đồng chí.
Các đồng chí Lãnh đạo Thành phố, nguyên lãnh đạo Thành phố và PGS, TS Trần Minh Trưởng gặp gỡ, nói chuyện với thân nhân gia đình hai đồng chí Hoàng Đình Giong và Hoàng Văn Nọn
Buổi nói chuyện chuyên đề đã giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc thành phố Cao Bằng thấm nhuần và hiểu hơn những công lao, cống hiến của đồng chí Hoàng Đình Giong, đồng chí Hoàng Văn Nọn đối với sự nghiệp cách mạng và xây dựng đất nước, đối với quê hương Cao Bằng. Qua đó nhằm tiếp tục giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xây dựng thành phố Cao Bằng đạt tiêu chí đô thị loại II, trở thành thành phố du lịch, văn minh - hiện đại.