Ông Tô Văn Đạt, Chủ tịch UBND xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm cho biết: Năm 2003, cây hồi (lấy lá để chưng cất tinh dầu) lần đầu tiên xuất hiện tại xã Lý Bôn do hộ ông Tẩn Dấu Quẩy trồng thử nghiệm tại xóm Phiêng Pẻn. Sau đó, tự phát thêm một số hộ trồng hồi nhưng sản xuất mang tính manh mún, nhỏ lẻ.
Từ năm 2015 đến nay, nhận thấy địa phương có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với việc trồng hồi và giá trị từ cây hồi đem lại lớn hơn so với trồng ngô, lúa, Đảng uỷ xã Lý Bôn đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển diện tích trồng hồi hàng hóa. Để thực hiện mục tiêu trên, Đảng bộ xã xây dựng mô hình "Dân vận khéo" về "Phát triển trồng hồi chưng cất tinh dầu", có lộ trình tăng diện tích trồng hồi, sản lượng tinh dầu hồi theo từng năm. Đồng thời chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ ngô, lúa thuần canh sang trồng hồi hàng hóa.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể, Nhân dân các xóm đã nắm rõ hiệu quả kinh tế từ việc trồng hồi cũng như quy trình trồng, chăm sóc hồi và chưng cất dầu, từ đó, tích cực tham gia mô hình. Được hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, vay vốn Ngân hàng chính sách để phát triển diện tích trồng hồi, đến năm 2023, xã Lý Bôn có 200 hộ tham gia mô hình với tổng diện tích hồi trên 877 ha, chủ yếu ở các xóm: Phiêng Pẻn, Phiêng Đăm, Phiêng Lùng, Nà Mý, Bản Báng, Khuổi Vin, Nà Mạt, Tổng Ác, Nà Mấư. Trong đó, trên 600 ha hồi đã cho thu hoạch lá để chưng cất tinh dầu; tổng sản lượng tinh dầu hồi đạt 9.378kg, cho thu nhập gần 3,3 tỷ đồng. Đến năm 2024, xã có thêm 05 hộ tham gia mô hình, trồng mới được 9,6 ha, nâng tổng số diện tích hồi của toàn xã lên gần 900 ha; tổng sản lượng tinh dầu hồi đạt gần 1,2 tấn, cho thu nhập trên 4,1 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, lúa và các loại cây trồng khác. Nhiều hộ có diện tích trồng hồi lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác và chưng cất tinh dầu nên đạt mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Tiêu biểu như các hộ: Vừ A Páo, Sùng A Châu, xóm Phiêng Lùng thu nhập từ 190- 270 triệu đồng/năm; Tẩn Dấu Quẩy, Sùng A Lềnh, Thào A Sính, xóm Phiêng Pẻn thu nhập 150-190 triệu đồng/năm....Nhờ trồng hồi chưng cất tinh dầu, năm 2024 Lý Bôn có 74 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống 5% so với năm 2023, cao hơn mức giảm bình quân chung của nhiều địa phương trong tỉnh.
Không chỉ phát triển diện tích trồng hồi, Đảng bộ xã Lý Bôn còn "khéo" vận động Nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế từ mô hình. Hiện nay, các hộ tham gia mô hình trồng hồi đều biết cách cải tạo môi trường đất, không dùng thuốc diệt cỏ và các sản phẩm hóa học trong quá trình chăm sóc cây, mua sắm các thiết bị chưng cất hiện đại, giảm thời gian, công sức tạo ra sản phẩm, nâng cao hiệu suất lao động. Đồng chí Nông Văn Phong, Phó Bí thư Thường trực huyện uỷ Bảo Lâm nhận định: Mô hình trồng hồi chưng cất tinh dầu của Đảng bộ xã Lý Bôn nằm trong Chương trình phát triển sản xuất các cây đặc sản, cây dược liệu trên địa bàn huyện Bảo Lâm giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; là 01 trong 03 chương trình chuyên đề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Bảo Lâm khóa V, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế Nông - Lâm nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới. Đến hết năm 2024, huyện Bảo Lâm đã trồng trên 2.429 ha hồi, vượt 829 ha (bằng 152%) so với chỉ tiêu Chương trình giao. Hiện nay, mô hình đang phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Giúp Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao, có sức lan tỏa trong toàn huyện, mô hình "Phát triển trồng hồi, chưng cất tinh dầu" của Đảng uỷ xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm được Tỉnh uỷ công nhận là mô hình "Dân vận khéo" cấp tỉnh năm 2024. Dự kiến năm 2025 và nhiệm kỳ 2025-2030, xã Lý Bôn tiếp tục trồng mới 60 ha hồi hàng hóa. Tuy nhiên, cấp uỷ, chính quyền xã rất băn khoăn khi hầu hết sản phẩm tinh dầu chủ yếu bán cho thương lái Trung Quốc, giá cả không ổn định. Đề nghị huyện và các ngành liên quan nghiên cứu thị trường, giới thiệu quảng bá sản phẩm, hỗ trợ nông dân tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm tinh dầu hồi, giúp Lý Bôn thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.