Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng "Đội quân đàn anh" - Đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng Việt Nam

Thứ tư - 06/11/2024 19:57
Từ “Khu rừng thiêng” Trần Hưng Đạo, “một quân đội được sinh ra từ trong lòng Nhân dân, lớn mạnh và trưởng thành từ Nhân dân, vì Nhân dân mà chiến đấu, vì Nhân dân phục vụ, trung thành với Đảng, chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” . Sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (Đội VNTTGPQ), “Đội quân đàn anh ”, đội quân chủ lực đầu tiên, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng mang đậm dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của Nhân dân Việt Nam, người Cha thân yêu của lực lượng vũ trang cách mạng.
Với tầm nhìn chiến lược, tư duy nhạy bén, sắc sảo về chính trị, trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, đến với ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) khẳng định con đường giải phóng của dân tộc Việt Nam chỉ có thể là con đường cách mạng vô sản, muốn cách mạng đi đến thắng lợi, phải sử dụng bạo lực cách mạng chống bạo lực phản cách mạng. Người tích cực chuẩn bị cho sự ra đời của một quân đội cách mạng. Ngay từ năm 1925 - 1927, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người đã mở các lớp đào tạo để chuẩn bị nguồn cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Kết thúc khóa học, Người trực tiếp lựa chọn các học viên tiêu biểu gửi đi học ở trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc). Đồng thời, Người xuất bản báo “Lính cách mệnh” nhằm tuyên truyền, giác ngộ binh lính người Việt; viết tác phẩm “Công tác quân sự của Đảng trong nông dân”...

Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Trên cơ sở những nguyên lý Mácxit - Lêninnít về bạo lực cách mạng và khởi nghĩa vũ trang, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi thảo đã khẳng định con đường đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc là dùng bạo lực cách mạng để giành chính quyền và yêu cầu phải “Tổ chức ra quân đội công nông ”[1] để làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành đấu tranh cách mạng.

Tháng 6/1940, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gặp các đồng chí Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng) và Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp) vừa ở trong nước sang. Chỉ sau một thời gian ngắn, bằng tầm nhìn và trí tuệ thiên tài, nhãn quan tinh tế, Người đã phát hiện ra tài năng thiên bẩm của đồng chí Võ Nguyên Giáp nên giới thiệu đồng chí đi học trường Quân chính kháng Nhật của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Diên An và căn dặn “cố gắng học thêm quân sự”.

Trước tình hình thế giới và trong nước biến chuyển nhanh chóng, với tầm nhìn xa, trông rộng của một nhà chiến lược cách mạng thiên tài, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xác định Cao Bằng là nơi hội tụ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước. Ngày 28/01/1941, sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, cứu dân, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; xây dựng Cao Bằng trở thành căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước và tích cực chuẩn bị mọi mặt cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Tại Cao Bằng, từ ngày 10 - 19/5/1941, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đối với cách mạng Việt Nam, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu; thành lập Việt N am Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh); chỉ đạo thành lập các tổ chức quần chúng đều lấy tên là Hội Cứu quốc; xác định chiến lược cách mạng của nước ta là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và khởi nghĩa là vấn đề then chốt. Sau Hội nghị, việc xây dựng lực lượng vũ trang được xúc tiến khẩn trương.
Công tác đào tạo cán bộ quân sự cũng được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chú trọng, Người phân công đồng chí Cao Hồng Lĩnh lập trạm liên lạc ở Trung Quốc để đưa đón cán bộ sang học tập quân sự, từ tháng 6 - 8/1941, theo chỉ thị của Người, đã có gần 100 thanh niên là con em các dân tộc Cao Bằng sang Trung Quốc học tập quân sự. Đến năm 1944, có hơn 200 thanh niên Cao Bằng sang học tại các lớp quân sự ở Điền Đông, Liễu Châu (Quảng Tây, Trung Quốc).

Đồng thời, từ cuối năm 1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ đạo các đồng chí Lê Quảng Ba, Lê Thiết Hùng, Hoàng Sâm mở một lớp quân sự tập trung đầu tiên tại Pác Bó (Hà Quảng) do Người trực tiếp đề ra kế hoạch huấn luyện và trực tiếp giảng dạy về cách đánh du kích, cách điều tra nắm tình hình địch... Để có tài liệu giảng dạy, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã biên soạn nhiều tài liệu quan trọng, như: “Mười điều kỷ luật”, “Chiến thuật cơ bản của du kích”, “Cách đánh du kích”, “Kinh nghiệm du kích Nga”... Các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng cũng dịch và biên soạn một số tài liệu: “Người chính trị viên”, “Công tác chính trị trong quân đội cách mạng”. Những “giáo trình” quân sự đầu tiên này góp phần quan trọng vào việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng.

Tháng 11/1941, tại Pác Bó, theo chỉ thị của Người, Tỉnh uỷ Cao Bằng đã thành lập Đội du kích tập trung đầu tiên (còn gọi là Đội du kích Pác Bó), gồm 12 người, do đồng chí Lê Quảng Ba làm đội trưởng. Đội được giao nhiệm vụ bảo vệ cơ quan, bảo vệ cán bộ, xây dựng cơ sở cho lực lượng tự vệ thường, tự vệ chiến đấu, tuyên truyền thực hiện công tác đặc biệt. sau đó được phân tán về các địa phương làm nhiệm vụ.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ thị cho Đảng bộ Cao Bằng “phải tổ chức lực lượng vũ trang cho tới tận các địa phương, phải làm gấp ”[2]; Chỉ thị cho đội du kích tập trung đầu tiên phân tán về các địa phương làm nòng cốt; Chỉ thị tổ chức phong trào Nam tiến nhằm cấp tốc tổ chức con đường quần chúng từ Cao Bằng qua Ngân Sơn, Chợ Rã (tỉnh Bắc Kạn) đi về miền xuôi. Nhờ đó, phong trào cách mạng Cao Bằng có điều kiện liên lạc được với Trung ương Đảng ở miền xuôi và hòa nhập cùng với phong trào cả nước.

Giữa năm 1944, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến nhanh chóng. Tháng 8/1944, Trung ương Đảng kêu gọi Nhân dân “Cầm vũ khí, đuổi thù chung”, không khí khởi nghĩa sôi sục khắp nơi. Cuối năm 1944, Nhân dân vùng Cao - Bắc - Lạng sẵn sàng hưởng ứng khởi nghĩa. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, ở thời điểm này, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới... Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên ”[3]. “Hình thức thích hợp” lúc bấy giờ, theo Người là thành lập đội quân giải phóng - Đội quân chủ lực đầu tiên, Đội VNTTGPQ. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã vạch ra những nét cơ bản của Đội VNTTGPQ và giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí Vũ Anh, Lê Quảng Ba nghiên cứu chuẩn bị thành lập. Người căn dặn “Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được. Tổ chức của Đội phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo”[4]. Trong Chỉ thị thành lập Đội, Người nói rõ: “Tên Đội VNTTGPQ là chính trị trọng hơn quân sự”[5].

Chấp hành Chỉ thị của Người và sự chỉ đạo của Trung ương, với sự chuẩn bị khẩn trương, chặt chẽ, chu đáo về mọi mặt của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Cao Bằng, ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình, Đội VNTTGPQ được thành lập. Đội gồm 34 chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy, trong đó có 25 chiến sĩ là con em các dân tộc tỉnh Cao Bằng (đồng chí Xích Thắng tức Dương Mạc Thạch làm chính trị viên). Sự kiện Đội VNTTGPQ - Đội quân chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập trên mảnh đất quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng cũng như sự có mặt của 25 con em các dân tộc của tỉnh trong đội ngũ 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội đã phần nào nói lên cống hiến to lớn của mảnh đất và con người Cao Bằng đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

 
11 07 picture
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (Ảnh tư liệu).

Chỉ hai ngày sau khi thành lập, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đội VNTTGPQ lập được chiến công vang dội. Trong 02 ngày 25, 26/12/1944, Đội tiến công tiêu diệt gọn 02 đồn Phai Khắt, Nà Ngần, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực, nhanh chóng cho bộ đội ”[6] và hạ quyết tâm “trận đầu nhất định phải thắng lợi” [7]. Những chiến công đó đã tạo ra một luồng sinh khí mới cổ vũ, khích lê phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật của Nhân dân ta và mở đầu cho truyền thống “đã ra quân là đánh thắng ” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Sự ra đời của Đội VNTTGPQ là một tất yếu lịch sử trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của Nhân dân ta; là bước ngoặt trên con đường đấu tranh cách mạng của dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng lúc đó. Từ đây, cách mạng Việt Nam xuất hiện ba hình thức tổ chức của lực lượng vũ trang Nhân dân: Đội VNTTGPQ là đội quân chủ lực, các đội vũ trang ở các châu và các đội tự vệ nửa vũ trang ở xã. Lần đầu tiên trong lịch sử, giai cấp công nhân và Nhân dân Việt Nam có một Quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và Lãnh tụ Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục, rèn luyện và lãnh đạo; một Quân đội mang bản chất giai cấp công nhân, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, anh hùng, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Quá trình hình thành, phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên Quân đội ta được nhân dân gọi với cái tên rất thân mật, nhưng cũng rất đỗi tự hào: “Bộ đội Cụ Hồ”.
11 07 bac voi quan doi bao 2
Bác Hồ thăm một đơn vị Quân đội miền Nam tập kết (1957) (Ảnh tư liệu).

Cùng với sự lớn mạnh của phong trào cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chỉ huy của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, sự giúp đỡ, đùm bọc của Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, cùng với Nhân dân cả nước, Đội VNTTGPQ - Đội quân chủ lực đầu tiên đã không ngừng phát triển, trở thành đội quân vững vàng về chính trị, tài giỏi về quân sự, chiến đấu và chiến thắng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và là nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ năm 1975 đến nay. Đúng như tiên đoán của Bác Hồ: Đội VNTTGPQ “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước chúng ta”[8]. Đó là Đội quân Anh hùng của Dân tộc Anh hùng.

Trải qua các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, Cao Bằng rất vinh dự, tự hào được thay mặt đồng bào cả nước đón Bác Hồ trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, là nơi ra đời Mặt trận Việt Minh, nơi thành lập Đội VNTTGPQ - “Đội quân đàn anh ”, Đội quân chủ lực đầu tiên, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng ngày nay. Hơn 90 năm xây dựng và phát triển, dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam, kế thừa và phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Đội VNTTGPQ, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã luôn nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết một lòng, nỗ lực cùng cả nước thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, quyết tâm xây dựng Cao Bằng trở thành tỉnh “gương mẫu”, “đi đầu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn.
 
Bế Thanh Tịnh
Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ,

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cao Bằng

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.4.
[2] Đầu nguồn, Hồi ký về Bác Hồ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1975, tr.296.
[3] Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử (Hồi ký). Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.141.
[4] Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử (Hồi ký). Sđd, tr 143.
  1. Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử (Hồi ký), Sđd, tr.131.
[6] Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử (Hồi ký), Sđd, tr.147
[7] Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử (Hồi ký), Sđd, tr.143.
[8] Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử (Hồi ký), Sđd, tr.132.
 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video hoạt động
Screenshot 2


z5938366578357 0660a04694014cba01f06354ec63e29c


z5938342173393 e3ad0887d201d3d74066f1305a005930
Bazon SACH1
duluanxahoi
tracuu 1
bhxh2 yukp

dcs





nonnuoccb
12121hq1
Liên kết Website

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập31
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm29
  • Hôm nay1,592
  • Tháng hiện tại322,924
  • Tổng lượt truy cập4,129,114
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TUYÊN GIÁO CAO BẰNG
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Tỉnh ủy,  Km5, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3855 011  -  Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Ghi rõ nguồn https://tuyengiaocaobang.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.

  Chung nhan Tin Nhiem Mang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây