Ngày 18/8/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định 117/QĐ-TW về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan. Quy định là bước hoàn thiện Quy định 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Quy định gồm 4 chương, 15 điều, đề cập cụ thể từ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc, căn cứ, trình tự thủ tục, thời hạn giải quyết việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi… cũng như những trường hợp bị oan thật nhưng không được xin lỗi, phục hồi quyền lợi và các điều khoản thi hành.
Theo đó, căn cứ để xác định một đảng viên hoặc tổ chức đảng bị oan gồm: Kết luận hoặc quyết định của tổ chức đảng có thẩm quyền xác định tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan. Kết luận, quyết định, bản án của cơ quan pháp luật xác định đảng viên bị điều tra, truy tố, xét xử oan dẫn đến tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan.
Về nguyên tắc, theo Quy định 117, việc xin lỗi, phục hồi quyền lợi cho tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan phải thực hiện kịp thời, công khai, khách quan và do chính tổ chức đảng đã ra quyết định gây oan chịu trách nhiệm thực hiện.
Cùng với đó là bãi bỏ, thu hồi quyết định kỷ luật oan; xem xét trách nhiệm của tổ chức, đảng viên tham mưu, quyết định kỷ luật oan. Giải quyết oan phải triệt để, kể cả khi người bị oan đã qua đời thì vẫn phải tổ chức xin lỗi với thân nhân đảng viên...
Đó là về mặt tinh thần. Còn bồi thường về vật chất và các lợi ích hợp pháp khác cho người bị oan thì Quy định 117 yêu cầu thực hiện theo pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Đối tượng áp dụng Quy định khá rộng, không chỉ với tổ chức đảng, đảng viên đang làm việc, mà cả những tổ chức đảng đã giải tán, đảng viên đã qua đời…
Sau một thời gian ngắn ban hành, Quy định 117 đã thu hút sự chú ý, quan tâm, ủng hộ rất lớn của đảng viên cả nước vì đây là văn bản có tính pháp quy đầu tiên của Đảng, cụ thể hóa quan điểm đảng viên, tổ chức đảng bị kỷ luật oan thì được phục hồi quyền lợi bằng văn bản một cách chặt chẽ, hoàn chỉnh. Điều này đã được nhiều lần đề ra trong các cuộc họp, hội nghị các cấp từ nhiều khóa trước. Trung ương khóa XIII quyết định tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế nhằm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Do đó, quy định này cũng cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Đề cập đến Quy định này, nhiều người cho rằng, trong thực tế cuộc sống chắc chắn không thể nào tránh khỏi được sai sót. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng nói riêng cũng không ngoại lệ. Vì thế, làm thế nào để khắc phục được các kết luận oan sai mới là cái cốt của vấn đề.
Mặt khác, việc nhận ra sai sót và xin lỗi công khai sẽ làm cho dân chủ trong Đảng thực chất hơn, minh bạch hơn, thể hiện chia sẻ nỗi oan của tổ chức đảng và đảng viên. Đây không phải là vấn đề mới bởi trong quá khứ, tổ chức Đảng của chúng ta đã từng nhận sai, chủ động sửa sai. Nhìn lại lịch sử, cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc từng “bị kiểm điểm và tự phê bình” vì chủ trương “khoán hộ, đổi mới nông nghiệp”. 20 năm sau chủ trương khoán hộ của Bí thư Kim Ngọc, năm 1988, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về khoán hộ (còn được gọi là khoán 10) đã chính thức được ban hành, việc sửa sai đã được thực hiện.
Hay sau những sai lầm về cải cách ruộng đất, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I (29/12/1956 - 25/1/1957), Bác Hồ đã thay mặt Đảng, Chính phủ thẳng thắn nhận khuyết điểm trước Quốc hội. Nước mắt Người đã rơi trước những khuyết điểm do chủ quan, thiếu lắng nghe Nhân dân, thiếu sâu sát thực tiễn cơ sở. Trước quốc dân đồng bào, Người đã không ngần ngại công khai khuyết điểm của Đảng, của người lãnh đạo cao nhất là chính Người. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy khăn lau nước mắt chính là lời xin lỗi chân thành nhất của một người suốt cả cuộc đời chỉ biết hy sinh, một lòng một dạ vì nước, vì dân.
Sau này trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Bác đã chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Đồng tình, ủng hộ với Quy định 117, không ít chuyên gia cũng cho rằng, sự ra đời của Quy định là một tiến bộ rất lớn, cho thấy cùng với kỷ luật nghiêm minh những tổ chức đảng, đảng viên có sai phạm thì Đảng cũng đặt ra yêu cầu phải giải quyết hợp tình, hợp lý đối với những trường hợp bị kỷ luật oan sai. Tinh thần là công tội rạch ròi, cán bộ làm sai phải bị xử lý, ngược lại cán bộ bị kỷ luật sai phải được xin lỗi, khắc phục.
Tuy nhiên, trong cuộc sống có những thứ xin lỗi được, phục hồi được, nhưng có những cái không thể xin lỗi, không thể phục hồi. Bởi khi nhân cách, sự nghiệp chính trị của mỗi con người bị chà đạp sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Thậm chí có người đã từ giã cuộc sống vì những nỗi oan khuất không phải do mình gây ra. Cũng có người khi được xin lỗi thì đã quá muộn bởi gia đình, con cái của họ cũng phải gánh chịu hậu quả của những quyết định oan sai. Do đó, Quy định 117 như chính là một lời nhắc nhở, cảnh báo tổ chức đảng có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật phải thận trọng, cân nhắc, trách nhiệm để không xảy ra oan sai phải xin lỗi. Đi liền với trách nhiệm là các biện pháp xử lý đối với tổ chức đảng có thẩm quyền ra quyết định và cá nhân tham mưu kỷ luật, góp phần hạn chế oan sai, tăng trách nhiệm thực thi công vụ.
Để Quy định 117 đi vào cuộc sống, một số chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng Đảng cho rằng, cần phải tạo sự thông suốt trong nhận thức để củng cố thêm lòng tin của Nhân dân vào Đảng, chế độ. Đồng thời, quá trình tổ chức thực hiện cần phải có sự kiểm tra, giám sát để nơi nào làm tốt thì nhân rộng, nơi nào làm chưa tốt kịp thời nhắc nhở, thậm chí kể cả đến mức phải xử lý kỷ luật...
Quy định cán bộ đảng viên làm sai phải nhận khuyết điểm và xin lỗi Nhân dân sẽ góp phần hoàn thiện các văn bản trong các lĩnh vực về xây dựng Đảng. Việc của từng cán bộ, đảng viên từ trung ương xuống cơ sở phải luôn thường xuyên học tập, tu dưỡng bản thân, ý thức làm việc có trách nhiệm, thận trọng, khách quan để ít xảy ra lỗi nhất. Làm được như vậy chính là góp phần xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh.
Mặt khác, Quy định này cùng với những quy định khác nhanh chóng đi vào cuộc sống cũng sẽ kịp thời bảo vệ và khuyến khích những cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung như Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Qua đó sẽ tiếp thêm niềm tin, động lực để cán bộ đảng viên yên tâm cống hiến, đương đầu với khó khăn, thử thách để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, xây dựng đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; hiện thực hóa khát vọng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045…/.
Nguồn tin: dangcongsan.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn