Đảng, Nhà nước luôn mong muốn đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục tận hiến với quốc gia, dân tộc; giữ vững cốt cách, tinh thần như tùng, như bách...
Để nguyên khí không bị tổn hao
Từ xa xưa, giới trí thức, những người học cao hiểu rộng, có chí khí được nhân dân vinh danh là kẻ sĩ. Danh xưng kẻ sĩ, ngoài ý nghĩa đề cao đạo học và nhân tài, còn là sự gửi gắm, hy vọng, đặt ra yêu cầu cao về nhân cách, cốt cách người quân tử, dù cạm bẫy, cám dỗ thế nào cũng phải luôn giữ lòng ngay thẳng, tôn trọng, đấu tranh bảo vệ lẽ phải. Lịch sử dân tộc qua các thời kỳ đã chứng minh, hiền tài là nguyên khí quốc gia, là vốn quý của dân tộc. Sự tồn vong của chế độ; cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước phụ thuộc rất lớn vào vai trò của tầng lớp tinh hoa trong đời sống xã hội. Cụ Nguyễn Công Trứ (1778-1858) viết: “Tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt/ Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên...” (Tước có 5 bậc, sĩ được dự vào bậc nhất/ Dân có 4 loại, sĩ đứng đầu...). Bất cứ triều đại nào muốn phát triển thịnh vượng cũng phải coi trọng chính sách xây dựng, trọng dụng hiền tài.
Bởi tầm quan trọng đặc biệt của hiền tài nên khi đất nước gặp họa xâm lăng, nô dịch, kẻ thù của dân tộc luôn tìm mọi cách tấn công, mua chuộc kẻ sĩ. Mục tiêu của các thế lực xâm lăng là làm cho nguyên khí quốc gia suy yếu để dễ bề thao túng, cai trị, biến đất nước ta thành thuộc địa, nhân dân thành nô lệ. Với tinh thần, cốt cách của tinh hoa người Việt, các bậc sĩ phu, hiền tài trong lịch sử dân tộc luôn đề cao tinh thần yêu nước, không bao giờ chịu khuất phục, cúi đầu trước âm mưu, thủ đoạn của ngoại bang. Các tấm gương kẻ sĩ với tinh thần, cốt cách như tùng, như bách, chí khí hiên ngang đã trở thành những biểu tượng đẹp, sống mãi cùng lịch sử dân tộc, tiếng thơm lưu danh vạn thuở.
Tuy nhiên, lịch sử dân tộc cũng ghi rõ không ít trường hợp người tài trở cờ, phản quốc cầu vinh, để lại vết nhơ, tiếng xấu đến muôn đời. Con đường phản quốc cầu vinh của những kẻ cơ hội mỗi thời một khác, mỗi người một kiểu, nhưng đều xuất phát từ lòng tham, đố kỵ, cơ hội. Họ đều là những người có tài nhưng kém đức, mang tinh thần, tham vọng của kẻ tiểu nhân, lung lay cốt cách...
Lịch sử luôn công bằng. Người có công được vinh danh, kẻ có tội bị trừng phạt. Trong các hình phạt đối với những kẻ phản quốc cầu vinh, sự nguyền rủa của người đời là hình phạt nặng nề nhất. “Trăm năm bia đá cũng mòn/ Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ...” là thế!
Thời đại ngày nay, đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã và đang mở ra những vận hội, thời cơ mới, tạo môi trường thuận lợi lý tưởng để nhân tài bộc lộ phẩm chất, tài năng, khẳng định giá trị bản thân và khát vọng, mục tiêu cống hiến. Xây dựng đất nước hùng cường, dân tộc phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, thái bình là khát vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Với vai trò, vị thế là tầng lớp tinh hoa của xã hội, giới trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ mang trọng trách, sứ mệnh cao cả với khát vọng của quốc gia, dân tộc... Để củng cố, chấn hưng, không ngừng phát triển nguyên khí quốc gia, giữ gìn vốn quý của dân tộc, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận quan trọng. Việc bổ sung, từng bước hoàn thiện chủ trương, chính sách, giải pháp khuyến khích, trọng dụng và bảo vệ hiền tài vừa để tạo môi trường, cơ hội thuận lợi cho hiền tài phát triển, vừa bảo đảm cho nguyên khí quốc gia không bị tổn hao trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch.
Đại hội XIII của Đảng xác định: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ... tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững... Như vậy, mục tiêu lao động và cống hiến của giới trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong thời đại ngày nay là sự hòa quyện, phản ánh chân thực và sinh động khát vọng dân tộc hùng cường. Mỗi cá nhân kẻ sĩ là một nhân tố quan trọng cấu thành nguyên khí quốc gia, vốn quý của dân tộc. Mọi tư tưởng, hành động của kẻ sĩ cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết và trước hết, hướng đích đất nước phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường...
Giữ vững cốt cách như tùng, như bách
Điều mong muốn, gửi gắm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đối với giới trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong dịp đầu xuân mới Quý Mão 2023 không phải là một quan niệm mới, mà là sự nhắc lại, nhấn mạnh để làm sâu sắc thêm, cụ thể hơn quan điểm xuyên suốt của Đảng đối với hiền tài đất nước. Phải nhắc lại và nhấn mạnh thường xuyên vấn đề này để kẻ sĩ không lơ là, sao nhãng, bàng quan với khát vọng dân tộc; không dao động, ngả nghiêng trước những thủ đoạn lôi kéo, kích động, mua chuộc của các thế lực thù địch.
Trong số những đối tượng phản động lưu vong ở nước ngoài có nhiều người từng là trí thức của đất nước, một số người từng giữ cương vị quan trọng trong hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội, nghề nghiệp. Họ đã được Đảng, Nhà nước đào tạo, được đất nước, nhân dân nuôi dưỡng, đùm bọc. Ấy vậy mà khi đã thành tài, “đủ lông đủ cánh”, được xã hội tôn vinh bằng những danh xưng “luật sư”, “nhà báo”, “chuyên gia”... thì vì tính đố kỵ, hẹp hòi, cơ hội... mà họ đã trở cờ, phản bội. Hằng ngày, hằng giờ, với thân phận của những kẻ lưu vong, họ tận dụng những tri thức đã được học, tận dụng tiện ích không gian mạng, thực hiện các chiến dịch truyền thông chĩa mũi dùi về quê hương, đất nước công kích, xuyên tạc với thái độ trịch thượng, hách dịch, lộng ngôn...
Xưa nay, những kẻ vô ơn với Tổ quốc, phản quốc cầu vinh chưa và không bao giờ có được cái kết tươi sáng-ngoài việc phải sống tha phương, ăn bám xứ người, ngay cả khi còn một chút tàn hơi cho đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn phải nếm trải sự cô đơn, tủi nhục khủng khiếp. Bài học nhãn tiền là thế, nhưng không ít người vẫn cứ ảo tưởng sức mạnh bản thân, thui chột cốt cách, tinh thần, lao vào giành nhau miếng pho mát được các thế lực thù địch bày sẵn trong bẫy chuột.
Trong thế giới ảo của không gian mạng hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, trí thức, văn nghệ sĩ là thành phần chịu ảnh hưởng, chi phối mạnh mẽ. Các thế lực thù địch sử dụng trăm phương nghìn kế để dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc kẻ sĩ khiến không ít người bị dao động, ngả nghiêng. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã chỉ rõ biểu hiện này, đó là: Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước... Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng...
Những vấn đề Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ ra đã liên tục được Đảng ta chấn chỉnh, khắc phục bằng các giải pháp kiên trì, quyết liệt trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, càng khi đất nước đạt được những thành tựu to lớn, thì các thế lực thù địch càng ráo riết, mở rộng hơn quy mô, cường độ chống phá. Kẻ sĩ tiếp tục vừa là mục tiêu, vừa là công cụ bị các thế lực thù địch triệt để khai thác, lợi dụng để chống phá Đảng, chống phá đất nước. Không ít người tiếp tục sập bẫy, bị điều tra, khởi tố vì tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo quy định của Bộ luật Hình sự. Phải đưa những đối tượng ấy ra trừng trị trước pháp luật là việc cực chẳng đã, bởi Đảng, Nhà nước ta luôn mong muốn những ai trót nhúng chàm thì hãy tự gột rửa. Khi tất cả giải pháp giúp cho việc “gột rửa” ấy không có tác dụng, cái chất “tùng”, “bách” trong tư tưởng, cốt cách của họ đã bị mất thì mới phải truy tố. Tính nghiêm minh và tính nhân văn của pháp luật là thế.
Bởi vậy, việc nhấn mạnh yêu cầu phải giữ vững cốt cách, tinh thần như tùng, như bách không chỉ là sự mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với trí thức, văn nghệ sĩ, mà còn là lời tự răn, ý thức tự rèn giũa của kẻ sĩ trong đời sống hôm nay.
Tại cuộc họp mặt nêu trên, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: "Chưa bao giờ nghệ sĩ được quyền sáng tạo, bày tỏ phản biện xã hội như hiện nay. Không gian sáng tạo tự do sẽ chắp cánh cho nhà văn bay lên". Sự khẳng định đó góp phần bác bỏ, phủ nhận những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, cho rằng văn nghệ sĩ ở Việt Nam không có môi trường tự do sáng tạo, tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến...
Khi kẻ sĩ mang trong mình cốt cách như tùng, như bách thì chẳng có thế lực nào có thể lôi kéo, chẳng có thủ đoạn nào có thể khuất phục, chẳng có vũ khí nào có thể hạ gục.../.
Nguồn tin: www.tuyengiao.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn