Tư tưởng Hồ Chí Minh với việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân

Thứ bảy - 31/12/2022 22:01
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho nhân dân ta, dân tộc ta một kho tàng di sản tư tưởng vô giá, trong đó, tư tưởng về xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân và nền quốc phòng toàn dân là nội dung cốt lõi trong tư tưởng quân sự của Người, có vai trò đặc biệt quan trọng chỉ đạo xuyên suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của LLVT nhân dân cũng như công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
Bác Hồ thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Đoàn Không quân Sao Đỏ (2/1967). Ảnh TL
Bác Hồ thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Đoàn Không quân Sao Đỏ (2/1967). Ảnh TL

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng tư tưởng - chính trị đúng đắn về công tác xây dựng LLVT nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng LLVT nhân dân có nét đặc trưng nổi bật là lấy chính trị làm gốc, gắn sức mạnh của LLVT với sức mạnh của quần chúng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Người coi chính trị, xây dựng LLVT nhân dân vững mạnh về chính trị là yếu tố quan trọng đầu tiên, là nền tảng cơ bản, cốt lõi, yếu tố quyết định sự trưởng thành và lớn mạnh của LLVT (Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và dân quân tự vệ). Xây dựng LLVT nhân dân vững mạnh cũng là quan điểm lãnh đạo của Đảng ta trong quá trình tổ chức, giáo dục, rèn luyện các LLVT nhân dân.

Trên cơ sở nắm vững lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin về xây dựng LLVT cách mạng, nghiên cứu các luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về vũ trang dân chúng, về tổ chức Hồng quân - một quân đội kiểu mới trên cơ sở vũ trang toàn dân của Lê-nin; nghiên cứu bản chất kẻ thù và thực tiễn cách mạng Việt Nam, đồng thời, kế thừa và phát triển kinh nghiệm xây dựng LLVT trong lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng bước xác định nguyên tắc, cơ cấu LLVT nhân dân Việt Nam về mặt lý luận, chuẩn bị tiền đề cần thiết để tổ chức xây dựng LLVT trong thực tiễn.
Năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam và xây dựng LLVT nhân dân. Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 do Người chủ trì, lần đầu tiên khái niệm cơ cấu LLVT gồm ba thứ quân được nêu ra. Hội nghị cho rằng, trên cơ sở xây dựng và phát triển lực lượng chính trị quần chúng, từng bước tổ chức các đội tự vệ cứu quốc, tự vệ chiến đấu (tiểu tổ du kích) rộng rãi để chuẩn bị tiến lên thành lập các đội du kích chính thức và sau nữa là tiến lên thành lập đội quân công nông.

Quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8, ngày 21/12/1941, Trung ương Đảng chỉ thị cho các địa phương phải ra sức mở rộng và củng cố các đội tự vệ, sau đó lựa chọn những đội viên ưu tú tổ chức ra các tiểu tổ du kích. Theo tinh thần đó, chỉ thị chuẩn bị khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh (tháng 5/1944) nêu rõ cách thức tổ chức và cơ cấu LLVT bao gồm: Bộ đội du kích, Tiểu tổ du kích và Đội tự vệ cứu quốc.

Như vậy, từ sau Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khi đề cập đến hình thức tổ chức xây dựng LLVT cách mạng, các văn kiện của Đảng và của Mặt trận Việt Minh đều nhắc đến cơ cấu tổ chức ba thứ quân. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các thứ quân ra sao, vai trò của từng thứ quân như thế nào vẫn chưa được xác định rõ ràng. Phải đến tháng 12/1944, Bác Hồ gửi thư cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, trong thư là chỉ thị của Bác về việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tuy văn phong giản dị, ngắn gọn nhưng bức thư hàm chứa đầy đủ nội dung của một cương lĩnh quân sự lịch sử, có tính định hướng cho sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam sau này. Tên gọi đầu tiên của đội quân cách mạng đặc biệt quan trọng này được Bác Hồ đặt là “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân”. Trước đó, chính Bác Hồ là người đã thêm hai chữ “tuyên truyền” vào dự kiến tên gọi của đội quân cách mạng, Bác đặt “tuyên truyền” lên trước, bởi theo Bác: “Nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”, “Phải lấy chính trị làm gốc”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến, xây dựng LLVT cách mạng phải bắt đầu từ việc xây dựng lực lượng chính trị quần chúng, trên cơ sở đó xây dựng và phát triển lực lượng quân sự; từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Theo Người, muốn có quân đội vũ trang phải có đội quân tuyên truyền vận động, đội quân chính trị trước đã. Phải có quần chúng giác ngộ chính trị tự nguyện “vác súng” thì mới thắng được...

Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thực sự là văn kiện mang tính chất một bản cương lĩnh thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh trên lĩnh vực quân sự. Chỉ thị xác định một số vấn đề cơ bản của đường lối quân sự và một số vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng LLVT nhân dân trong thời đại mới. Đến đây, cơ cấu tổ chức LLVT cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn chỉnh về mặt lý luận. Ngày 22/12/1944, đồng chí Võ Nguyên Giáp làm lễ thành lập “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân”. Với việc thành lập “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân”, hệ thống tổ chức LLVT cách mạng gồm ba thứ quân do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra và chỉ đạo tổ chức bước đầu hình thành.

Ngày 15/5/1945, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và các đơn vị cứu quốc quân được thống nhất thành lực lượng bộ đội chủ lực mang tên “Việt Nam Giải phóng quân”. Tại một số tỉnh, huyện, các đơn vị “Giải phóng quân” địa phương được thành lập. Tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, LLVT đã làm nòng cốt cho toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước và trở thành LLVT nhân dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, LLVT nhân dân mà nòng cốt là Quân đội nhân dân tiếp tục được Trung ương Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển về mọi mặt, chú trọng phát huy tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Người chỉ rõ: Từ nay, mỗi một chiến sĩ, mỗi một cán bộ vệ quốc quân, bộ đội địa phương và dân quân du kích cần phải phát huy tinh thần anh dũng của quân giải phóng, cần phải thấm nhuần tư tưởng “kháng chiến nhất định thắng lợi nhưng phải trường kỳ và gian khổ”. Và căn dặn: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương không nên chỉ biết đánh. Biết đánh là cái tốt, nhưng chỉ biết đánh mà coi nhẹ chính trị, kinh tế, tuyên truyền, giáo dục nhân dân là chỉ biết có một mặt. Nhờ đó, LLVT nhân dân ta trưởng thành không ngừng, không chỉ có bộ đội chủ lực mà từ năm 1949 phát triển thêm bộ đội địa phương, quy mô tổ chức bộ đội chủ lực đến cấp đại đoàn với trang bị ngày càng hiện đại, tác chiến hiệp đồng binh chủng, góp phần cùng toàn dân lập nhiều chiến công, thành tích xuất sắc, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tính trước sự khốc liệt của chiến tranh; nếu không có sức mạnh tác chiến của bộ đội chủ lực chính quy thì sẽ rất khó để “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Người chỉ thị thành lập, phát triển các quân chủng, binh chủng, bảo đảm cho LLVT nhân dân ta có đủ các thành phần của một đội quân hiện đại, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, có thể đánh bại địch cả trên bộ, trên không, trên biển. Với sự đồng bộ về cơ cấu, tổ chức, năng lực, trình độ tác chiến, có thế trận chiến tranh nhân dân phát triển ở tầm cao, quân và dân ta đã chớp thời cơ chiến lược, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, từng bước làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo thế và lực hơn hẳn đối phương, tiến hành trận quyết chiến chiến lược, giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc vẻ vang bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng bước xây dựng LLVT ba thứ quân hoàn chỉnh theo tiến trình phát triển chung của cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử. Sự phát triển của LLVT nhân dân thành ba thứ quân, trong đó, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương hợp thành quân đội nhân dân, còn dân quân du kích, tự vệ là LLVT quần chúng, phản ánh tính chất toàn dân rộng rãi của tổ chức quân sự cách mạng kiểu mới của nhân dân ta. Mỗi thứ quân có chức năng, nhiệm vụ, vị trí, vai trò riêng nhưng đồng thời có mối quan hệ mật thiết với nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Với cách tổ chức LLVT ba thứ quân theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta kết hợp xây dựng quân đội cách mạng với LLVT nhân dân phù hợp với quy luật tổ chức và sử dụng LLVT ba thứ quân, phát huy đầy đủ vị trí, vai trò của nó, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng LLVT nhân dân là tài sản tinh thần vô cùng quý báu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, mãi mãi soi đường, dẫn lối cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 
Tùng Linh

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video hoạt động
Screenshot 2


z5938366578357 0660a04694014cba01f06354ec63e29c


z5938342173393 e3ad0887d201d3d74066f1305a005930
Bazon SACH1
duluanxahoi
tracuu 1
bhxh2 yukp

dcs





nonnuoccb
12121hq1
Liên kết Website

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập18
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm17
  • Hôm nay2,340
  • Tháng hiện tại323,672
  • Tổng lượt truy cập4,129,862
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TUYÊN GIÁO CAO BẰNG
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Tỉnh ủy,  Km5, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3855 011  -  Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Ghi rõ nguồn https://tuyengiaocaobang.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.

  Chung nhan Tin Nhiem Mang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây