Có dễ triển khai miễn, giảm học phí?

Thứ sáu - 27/10/2023 00:06
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, để quyết định miễn, giảm học phí không phải dễ dàng. Đến nay, cả nước mới có 5 địa phương có quyết định chính thức. Đây là chủ trương nhân văn nhưng để triển khai thì không hề đơn giản, kể cả với các tỉnh, thành phố lớn.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Năm học 2022 - 2023, cả nước có 7 tỉnh, thành phố thực hiện miễn học phí cho học sinh phổ thông: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Kạn, Cần Thơ, Quảng Bình.

Sang năm học 2023 - 2024, cả có 5 tỉnh, thành phố vẫn duy trì được việc miễn học phí cho học sinh phổ thông: Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam, Quảng Bình.

Nguồn kinh phí thực hiện phải được đảm bảo từ nguồn ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách địa phương hiện hành.

Để miễn học phí với trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông công lập và ngoài công lập, học viên trung tâm giáo dục thường xuyên năm học 2023 - 2024, Hội đồng Nhân dân TP Đà Nẵng phải dự chi gần 410 tỷ đồng, trong đó, dành ra hơn 316 tỉ đồng miễn học phí cho học sinh khối các trường công lập và 92,2 tỉ đồng hỗ trợ học sinh ngoài công lập.

TP. Hải Phòng dự kiến chi hơn 400 tỷ đồng ngân sách địa phương để miễn học phí cho toàn bộ học sinh đang học tại các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn.

Năm học này,  tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự chi khoảng 330 tỷ đồng cho việc miễn học phí cho học sinh các cấp học. Trong đó, dành 190 tỷ đồng hỗ trợ giảm học phí cho trẻ 5 tuổi và học sinh THCS (học sinh tiểu học được miễn theo luật).

HĐND tỉnh Quảng Bình vừa thông qua nghị quyết về miễn học phí năm học 2023 - 2024. Theo nghị quyết này, học sinh ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển được miễn học phí cả năm học. Các khu vực còn lại, học sinh được miễn học phí học kỳ I. Các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, cơ sở giáo dục thường xuyên bị giảm thu từ nguồn học phí sẽ được ngân sách hỗ trợ kinh phí.

Ông Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình cho hay, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai, đặc biệt là dịch COVID-19 trong các năm vừa qua, để chia sẻ bớt gánh nặng với người dân, tỉnh đã rất nỗ lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ về học phí. Quy định này đã được các cơ quan tham mưu xây dựng kỹ lưỡng trên cơ sở tổng kết thực tiễn việc miễn học phí 2 năm học gần đây; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh và nguyện vọng của học sinh, phụ huynh; thể hiện sự chia sẻ, đồng hành của cấp ủy, chính quyền với người dân.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp Quảng Bình miễn học phí cho học sinh. Năm học này, tỉnh có khoảng 580 trường học với hơn 233.500 học sinh ở các cấp, học phí dao động 80.000 - 370.000 đồng/tháng. Theo ông Châu, kinh phí tính sơ bộ để thực hiện việc miễn học phí học kỳ 1 năm học 2023 - 2024 tại địa phương là trên 70 tỷ đồng.

TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, quốc gia nào chăm lo cho giáo dục sẽ là quốc gia hùng mạnh, địa phương cũng vậy. Quảng Bình là một tỉnh chưa phải là giàu so với một số tỉnh, thành khác nhưng quyết định miễn học phí cho tất cả các cấp học ở giáo dục phổ thông là điều rất đáng hoan nghênh và trân trọng.

Khi quyết định miễn học phí, Quảng Bình đã cân đối ngân sách bảo đảm chi bù vào học phí và có thể có những nhà hảo tâm cam kết lâu dài tài trợ. Điều đó đòi hỏi lãnh đạo Đảng, Chính quyền và HĐND cùng Nhân dân Quảng Bình cũng phải chắt chiu dành kinh phí cho giáo dục, hạn chế đầu tư vào các công trình không mang lại nhiều hiệu quả.

Dưới góc độ phụ huynh có 2 con đang học mầm non và trung học cơ sở ở Hà Nội, chị Trần Phương Thảo (quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) chia sẻ: Hiện chị đang phải đóng học phí cho cả 2 cháu là 600.000 đồng/tháng, mức đóng này tăng gấp đôi so với năm học trước. Cả hai vợ chồng chị đều làm công chức Nhà nước, tổng thu nhập chỉ khoảng hơn 19 triệu đồng/tháng. Bên cạnh học phí thì các chi phí khác như tiền ăn uống, sách vở, tiền học thêm, mỗi tháng đã "nuốt chửng" hơn một nửa thu nhập của cả nhà.

“Với mức lương công chức ít ỏi, tôi mong muốn các cơ quan chức năng của Hà Nội xem xét nếu không miễn đóng học phí thì giảm học phí cho học sinh cấp mầm non để giảm áp lực thu chi cho cuộc sống gia đình trong bối cảnh bão giá hiện nay”, chị Thảo bày tỏ.

Có một thực tế, nhiều tỉnh, thành rất muốn miễn học phí có trẻ mầm non và học sinh THCS nhưng “lực bất tòng tâm” vì chưa thể cân đối được ngân sách./.

 

Nguồn tin: dangcongsan.vn

  Ý kiến bạn đọc

Video hoạt động
Screenshot 2


z5938366578357 0660a04694014cba01f06354ec63e29c


z5938342173393 e3ad0887d201d3d74066f1305a005930
Bazon SACH1
duluanxahoi
tracuu 1
bhxh2 yukp

dcs





nonnuoccb
12121hq1
Liên kết Website

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập29
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm23
  • Hôm nay3,830
  • Tháng hiện tại322,408
  • Tổng lượt truy cập4,128,598
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TUYÊN GIÁO CAO BẰNG
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Tỉnh ủy,  Km5, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3855 011  -  Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Ghi rõ nguồn https://tuyengiaocaobang.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.

  Chung nhan Tin Nhiem Mang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây