Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến khối các cơ quan của Đảng đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước khối các cơ quan của Đảng từ năm 2014 đến nay còn có một số hạn chế về nhận thức, tổ chức thực hiện. Vì vậy, cần có những giải pháp phù hợp, hiệu quả để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước khối các cơ quan của Đảng, cụ thể:
Một là, cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.
Cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến. Qua đó huy động được sức mạnh của tập thể, tinh thần tương trợ giúp đỡ nhau trong thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan. Đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Thi đua phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với tổng kết, rút kinh nghiệm và khen thưởng. Vì vậy, cần hết sức chú trọng tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực tham mưu, đề xuất, năng lực thực tiễn, năng lực phát hiện và tổ chức thực hiện của đội ngũ thành viên hội đồng thi đua - khen thưởng các cấp, cán bộ lãnh đạo quản lý, chuyên trách và kiêm nhiệm làm công tác thi đua, khen thưởng” (1).
Đã có nhiều chỉ thị, quy định về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng: Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 3-8-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; Kết luận số 83-KL/TW ngày 30-8-2010 của Ban Bí thư (khóa X) về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; Quyết định số 1526/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022 - 2025".
Trên cơ sở những quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, khối các cơ quan của Đảng căn cứ vào tính chất công việc, đặc điểm tình hình để xác định nội dung, chỉ tiêu thi đua phù hợp, hiệu quả, tránh tình trạng đưa ra chỉ tiêu, nội dung quá cao, không phù hợp với điều kiện, tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; hoặc lựa chọn những cá nhân để bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến không chính xác sẽ không cỗ vũ, động viên được mọi người nỗ lực phấn đấu vươn lên trong công tác, thậm chí cản trở, kìm hãm sự phát triển đi lên của cơ quan, đơn vị.
Cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu khối các cơ quan của Đảng tích cực, chủ động tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chương trình, kế hoạch thực hiện các phong trào thi đua yêu nước; lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao, hiệu quả, nâng cao năng lực làm việc của mỗi cá nhân được phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến, thật sự là tấm gương mẫu mực trong mọi hoạt động trong toàn cơ quan, đơn vị. Việc tổng kết các phong trào thi đua yêu nước để biểu dương, khen thưởng cá nhân được phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến cần được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu trong phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến.
Cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu khối các cơ quan của Đảng có vai trò quan trọng trong phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến; xây dựng niềm tin của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; tổ chức các hoạt động để mỗi tổ chức, cá nhân có môi trường được cống hiến, phát huy năng lực bản thân. Đánh giá đúng năng lực, sở trường, thế mạnh của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý, từ đó, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến phù hợp, hiệu quả, đạt được mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
Thường xuyên quan tâm, chăm lo đến đời sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là những cá nhân nằm trong diện bồi dưỡng, tạo nguồn trong thực hiện các phong trào thi đua của cơ quan, đơn vị. Luôn gương mẫu về phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực, phương pháp, tác phong công tác. Nói ít làm nhiều, làm nhiều hơn nói; lời nói và hành động đi liền với nhau. Bám nắm thực tiễn để kịp thời phát hiện những nhân tố mới tích cực trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Ba là, vận dụng linh hoạt, sáng tạo nội dung, hình thức, biện pháp phát hiện điển hình tiên tiến.
Vận dụng linh hoạt, sáng tạo nội dung, hình thức, biện pháp phát hiện điển hình tiên tiến có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự sáng suốt, nhìn nhận đánh giá đúng của cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan đối với mỗi cá nhân. Qua đó, xây dựng niềm tin của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vào tổ chức, tin tưởng những công hiến, đóng góp của bản thân sẽ được ghi nhận, tôn vinh xứng đáng. Việc tiến hành phong phú, đa dạng các nội dung, hình thức, biện pháp phát hiện sẽ là một tiêu chí quan trọng để lựa chọn điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua. Cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần tổ chức cho cấp dưới thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Qua hoạt động thực tiễn, từng cá nhân sẽ nỗ lực, phát huy khả năng, sáng kiến, kinh nghiệm của bản thân để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cùng đó là mong muốn được cấp trên đánh giá, ghi nhận, biểu dương. Trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, về đổi mới nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng trong tình hình mới.
Phát huy vai trò nêu gương của cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị để phát hiện điển hình tiên tiến. Cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần gương mẫu trong lời nói và hành động, quán triệt và chấp hành nghiêm quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, thật sự là tấm gương mẫu mực trong công việc, đời sống hằng ngày. Có lối sống chân thành, giản dị, gần gũi, biết thông cảm, chia sẻ với khó khăn, vất vả của cấp dưới; không nạt nộ, trách móc khi cấp dưới hoàn thành công việc ở mức độ thấp, thay vào đó là giúp đỡ, động viên, khích lệ để cấp dưới cố gắng, nỗ lực hơn.
Các đồng chí trong cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thực sự là chỗ dựa vững chắc về tinh thần để cấp dưới tin tưởng giải bày những tâm sự, bày tỏ mong muốn, nguyện vọng và đề xuất những giải pháp, sáng kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Công bằng, dân chủ trong đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc của cấp dưới.
Bốn là, làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến.
Công tác biểu dương, khen thưởng có vai trò rất quan trọng đối với các hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhất là đối với việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến. Thông qua biểu dương, khen thưởng đúng người, đúng việc sẽ khích lệ, cổ vũ phong trào thi đua trong toàn cơ quan, đơn vị. Nếu biểu dương, khen thưởng không đúng người, đúng việc sẽ cản trở sự phát triển của cơ quan, đơn vị. Cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể trong bình xét khen thưởng, lấy hiệu quả công việc, khả năng giải quyết các mối quan hệ công tác trong tập thể làm tiêu chí, thước đo đánh giá cấp dưới; tôn trọng và lắng nghe những ý kiến phản hồi từ cấp dưới về đánh giá năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống của những tập thể, cá nhân được bình xét, khen thưởng. Những tấm gương “người tốt, việc tốt” được lựa chọn khen thưởng phải thực sự tiêu biểu về năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống, uy tín, được tập ghi nhận. Vì vậy, trong quá trình khen thưởng, cấp trên cần căn cứ vào đề nghị của cấp dưới đưa lên, tuyệt đối không được định hướng cho cấp dưới trong quá trình bình bầu, hoặc bình bầu theo cảm tính. Phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong bình xét khen thưởng. Thực hành dân chủ, công khai, minh bạch đối với những cá nhân được phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến. Cần tuyên truyền, lan tỏa các gương điển hình tiên tiến, nhất là trên cá phương tiện truyền thông đại chúng.
Năm là, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể trong thảo luận, đánh giá rút kinh nghiệm quá trình thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.
Đây là việc làm rất quan trọng, cần thiết của các cơ quan, đơn vị, bảo đảm cho việc tôn vinh, khen thưởng điển hình tiên tiến đạt hiệu quả. Dân chủ là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, động lực của sự nghiệp đổi mới, phát huy dân chủ, trí tuệ của tập thể trong thảo luận, đánh giá rút kinh nghiệm quá trình thực hiện các phong trào thi đua yêu nước tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong cơ quan, đơn vị. Đồng thời, thể hiện sự nghiêm túc trong thẳng thẳn nhìn nhận, đánh giá nội dung công việc, không giấu giếm khuyết điểm, hạn chế, thiếu xót, sẵn sàng nhận trách nhiệm về mình của mỗi cá nhân để thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững của cơ quan, đơn vị. Với tinh thần này, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thảo luận, góp ý về việc phát hiện, bồi dưỡng, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, có chính kiến rõ ràng trong đánh giá, bình xét, từ đó, giúp cho cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thêm những thông tin cần thiết để biểu dương, tôn vinh điển hình tiến tiến; bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách về thi đua, khen thưởng ở cơ quan, đơn vị.
------------------------------------
(1) Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 423.
Tài liệu tham khảo
1. Chỉ thị 34-CT/T ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”.
2. Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến.
3. Đặng Thị Minh (2020), Nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Quản lý nhà nước điện tử, ngày 10-11-2020.
Nguyễn Công Hoan
Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương
Nguồn tin: www.xaydungdang.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn