Trang Thông tin điện tử Tuyên giáo Cao Bằnghttp://tuyengiaocaobang.vn/assets/images/logo.png
Thứ bảy - 17/06/2023 22:51
Chiến dịch chống phong tỏa thủy lôi, bom tư trường trên sông biển miền Bắc là một trong 8 chiến công của Quân chủng Hải quân anh hùng. Trong thành tích chung của Quân chủng có vai trò đóng góp quan trọng của Ngành Kỹ thuật Hải quân. Với tinh thần quả cảm, ý chí tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, cán bộ, nhân viên Ngành Kỹ thuật đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo các thiết bị rà phá, bảo đảm trang bị kỹ thuật (TBKT) cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ rà phá thủy lôi, bom từ trường.
Cán bộ kỹ thuật Hải quân nghiên cứu thủy lôi MK 52 của Mỹ để chế tạo thiết bị rà phá
Nhằm ngăn chặn tuyến đường vận tải chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam; ngăn chặn nguồn tiếp tế của các nước XHCN; phá hoại tiềm lực kinh tế quốc phòng của Việt Nam, từ năm 1967 - 1968 đến 1973, đế quốc Mỹ đã tiến hành 02 chiến dịch lớn, thả hàng vạn quả thủy lôi, bom từ trường xuống các bến cảng, luồng sông, cửa biển miền Bắc. Song với với tầm nhìn chiến lược, ngay từ năm 1966, Quân ủy Trung ương đã xác định “Vấn đề chống phong tỏa các cảng là nhiệm vụ cấp thiết” và chỉ đạo đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân tích cực nghiên cứu kế hoạch, chuẩn bị phương án đối phó. Thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Quân chủng đã ra nghị quyết lãnh đạo và xây dựng kế hoạch chống địch phong tỏa đường thủy, trong đó Ngành Kỹ thuật Hải quân được giao nhiệm vụ "Tổ chức nghiên cứu nắm vững nguyên lý cấu tạo, tính năng tác dụng và hoạt động các loại thủy lôi của địch; nghiên cứu thiết kế, chế tạo, cải tiến và sản xuất các phương tiện, thiết bị rà phá; tổ chức bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật và huấn luyện kỹ thuật rà phá thủy lôi cho các lực lượng chống phong toả trên toàn miền Bắc....". Đây là nhiệm vụ mới, khó khăn và phức tạp. Với tinh thần chủ động sáng tạo, Ngành Kỹ thuật Hải quân đã tổ chức quán triệt nghiêm chỉ thị của trên, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nắm chắc tình hình, yêu cầu nhiệm vụ; khẩn trương xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm kỹ thuật; xác định nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên thực hiện. Trong đó, ngành tập trung tổ chức lực lượng nòng cốt bao gồm: Cán bộ kỹ thuật, khoa học, bộ phận nghiên cứu kỹ thuật chống phong tỏa; các lực lượng tham gia nghiên cứu sản xuất khí tài, dụng cụ quan sát, tìm kiếm, rà phá thủy lôi; các lớp huấn luyện, rà phá, tháo gỡ thủy lôi của địch. Về tổ chức nghiên cứu vũ khí địch, đây là khâu đầu tiên, quan trọng nhất trong quy trình nghiên cứu chế tạo thiết bị rà phá. Tháng 2/1967, sau khi nhận được 2 quả thủy lôi MK-50, MK-52 do Công binh Hải quân tháo gỡ ở Nghệ An chuyển về, chỉ sau 20 ngày, cán bộ kỹ thuật Hải quân đã tìm ra nguyên lý, cấu tạo, hoạt động và lập được sơ đồ mạch điện của thủy lôi MK-52 (cảm ứng từ) và MK-50 (cảm ứng âm thanh). Trong cuộc phong toả lần thứ hai, đế quốc Mỹ sử dụng các loại thủy lôi mới, đó là thủy lôi MK-52 cải tiến có lắp đầu suy giảm số 5 thả xen kẽ với bom từ trường DST-36 được cải tiến đầu nổ MK-42 với 4 loại ngòi nổ có tính năng gây nổ và chế độ định thời gian tự hủy khác nhau. Qua nghiên cứu, Ngành Kỹ thuật Hải quân đã phát hiện những cải tiến mới trong thủy lôi của địch từ đó lập được sơ đồ mạch điện thủy lôi phục vụ cho công tác chế tạo thiết bị rà phá. Từ thực tế chiến đấu và kết quả nghiên cứu, ngành phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, các cơ sở kỹ thuật của Quân chủng, các nhà máy, xí nghiệp của các địa phương và các đơn vị trong toàn quân đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công 5 loại thiết bị, phương tiện rà phá gồm: HT-5, HT-6, HDL-9, PĐ-67 và khung dây điện từ trên cạn. Giai đoạn 1972-1973, bộ phận nghiên cứu đã thiết kế chế tạo, cải tiến được 3 loại phương tiện rà phá có công suất lớn là: Tàu phóng từ T412, tàu kéo khung dây phóng từ T150 và theo nguyên lý HT-6, HDL-9 đồng thời ta nhờ Trung Quốc cải tiến thành thiết bị phóng từ 311, 480 và ca nô phóng từ không người lái. Trong đó, tàu phóng từ T412 là phương tiện chủ lực để rà phá thủy lôi ở khu vực cửa sông, ven biển. Để bảo đảm trang bị cho các lực lượng chống phong toả, Ngành Kỹ thuật Hải quân chủ động khai thác tận dụng các phương tiện sẵn có của các đơn vị như 4 tàu 50 tấn cùng với các thiết bị quét lôi MT-3, các tàu chuyên dùng cùng với trang bị và đội ngũ thợ lặn chuyên nghiệp; các tàu vận tải, tuần tiễu và xuồng cao su của các Trung đoàn 171, 172, 125, 128... cho nhiệm vụ chống phong toả.
Xưởng 46 (nay là Nhà máy X46 ) lắp đặt thiết bị phóng từ cho tàu để rà phá thủy lôi của đế quốc Mỹ.
Ngành Kỹ thuật Hải quân đã phối hợp với cơ quan tham mưu và các ngành công binh, hàng hải tổ chức bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị. Nội dung chủ yếu của công tác bảo đảm kỹ thuật là: Cung cấp đầy đủ thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, tổ chức lắp đặt thiết bị, hướng dẫn bộ đội sử dụng, bảo quản thiết bị, phương tiện rà phá; tổ chức sửa chữa kịp thời tàu thuyền và thiết bị, phương tiện rà phá cho các đơn vị rà phá thủy lôi của Quân chủng… Tóm lại, trong cuộc chiến đấu chống phong toả sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi, bom từ trường của đế quốc Mỹ, Ngành Kỹ thuật Hải quân đã chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu vũ khí địch, thiết kế, chế tạo, cải tiến các phương tiện rà phá, tổ chức BĐKT cho các đơn vị trong và ngoài Quân chủng, đóng góp nhiều công sức, trí tuệ để Quân chủng hoàn thành tốt nhiệm vụ làm nòng cốt trong cuộc chống phong tỏa của địch trên chiến trường sông, biển. Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, phát huy những kinh nghiệm công tác kỹ thuật trong rà phá thủy lôi, bom từ trường, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác kỹ thuật phục vụ huấn luyện, SSCĐ của Quân chủng, Ngành Kỹ thuật Hải quân cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Một là, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thi, nghị quyết của trên, nhất là Nghị quyết 1656-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương và Chương trình hành động của Đảng ủy Quân chủng Hải quân về lãnh đạo công tác kỹ thuật đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Cán bộ, chiến sĩ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật phải có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, có nhận thức sâu sắc về tình hình nhiệm vụ; có bản lĩnh, trí tuệ, tự lực tự cường; phát huy truyền thống của Quân chủng, của Cục Kỹ thuật, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Hai là, phát huy sức mạnh tổng hợp trong bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm trang bị, nâng cao chất lượng, hệ số kỹ thuật của TBKT. Các cơ quan, đơn vị tăng cường liên doanh, liên kết với các cơ sở bảo đảm kỹ thuật, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu trong và ngoài Quân đội; tích cực huấn luyện, chuyển giao, làm chủ TBKT, nhất là những TBKT mới, hiện đại. Ba là, Ngành Kỹ thuật đề xuất và triển khai hiệu quả các đề án, dự án, chương trình sản xuất TBKT bảo đảm cho Quân chủng và toàn quân; đầu tư kinh phí mua sắm, nghiên cứu cải tiến, chế tạo các loại TBKT; tập trung mọi nguồn lực nghiên cứu, sản xuất, nội địa hóa vật tư, TBKT và các phương tiện rà phá phù hợp với nghệ thuật tác chiến của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Bốn là, Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để thu hút, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật đáp ứng nhu cầu, tình hình phát triển của TBKT. Toàn Quân chủng chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi ở tất cả các chuyên ngành; cập nhật kịp thời kiến thức cơ sở và kiến thức chuyên ngành của các loại TBKT mới, trọng tâm là các chuyên ngành đặc chủng Hải quân.
BOX: Ngành Kỹ thuật đã sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật 1.889 lần chiếc tàu phục vụ hoạt động chống phong toả; đã tổ chức được 138 lớp huấn luyện cho 375 lượt cán bộ nòng cốt của Quân chủng Hải quân, các quân khu, các bộ ngành, cơ quan Nhà nước và 1.054 lượt dân quân các địa phương trên toàn miền Bắc. Tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nhà nước đã trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 cho Công trình khoa học: Rà phá thủy lôi, bom từ trường, bảo đảm giao thông năm 1967-1973 và 4 đồng chí cán bộ kỹ thuật Hải quân.