Không thể xuyên tạc và phủ nhận chủ trương hòa hợp dân tộc

Thứ năm - 27/04/2023 07:50
(TG) - Chiến tranh đã lùi xa 48 năm và hành trình cả nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH), xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cũng đã được gần nửa thế kỷ. Trong hành trình đó, vấn đề hòa hợp dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, thực hiện nhất quán; được nhân dân Việt Nam, bạn bè quốc tế công nhận. Đó là sự thật lịch sử không thể xuyên tạc và phủ nhận.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

NƯỚC VIỆT NAM LÀ MỘT, DÂN TỘC VIỆT NAM LÀ MỘT

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào mùa Xuân 1975 đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc: Cả nước đồng lòng, chung sức hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và từng bước phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng... và đi lên CNXH. Hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ luôn khát vọng thiêng liêng, chính đáng của bất cứ quốc gia - dân tộc nào trên thế giới. Từ sau ngày 30/4/1975, toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã hiện thực hóa được khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất. Đó là một sự thật lịch sử, hiển nhiên và khách quan.

Tuy nhiên, mỗi dịp lễ, Tết, Xuân về, nhất là đến dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) thì các thế lực thù địch, phản động, cơ hội lại “ra rả” những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc về khát vọng hòa bình, thống nhất cùng những nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Cùng với đó là những “lý luận” ảo tưởng, hão huyền về “khôi phục” một chế độ đã qua hòng bôi đen sự thật, phá hoại khối đại đoàn kết, phá hoại chủ trương hòa hợp dân tộc. Trước những thủ đoạn, chiêu trò đó, chúng ta cần tiếp tục khẳng định:

Một là, nước Việt Nam là một; dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn. Núi có thể mòn. Song chân lý đó không bao giờ thay đổi. Vì thế, dù với toan tính “chia để trị” hay bất cứ âm mưu phân hóa, chia rẽ nào của các thế lực xâm lược, thì mỗi người dân đất Việt cũng đều là “con Rồng cháu Tiên” - chung một Quốc Tổ Hùng Vương. Ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức người Việt: “Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi”(1)... Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, tiếp tục truyền thống và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN ngày 18/2/1946 về những ngày nghỉ Tết, kỷ niệm lịch sử và tôn giáo; trong đó, quy định công sở, viên chức được nghỉ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch hằng năm. 

Cả dân tộc có chung ngày Giỗ Tổ; đồng bào cả nước có chung tâm niệm về nguồn cội “con Rồng cháu Tiên”. Đây chính là nguồn mạch sâu thẳm tạo nên sức mạnh đoàn kết, cố kết cộng đồng trải dài từ quá khứ, nâng bước cho hiện tại, chắp cánh cho tương lai; là điểm tựa tinh thần, sức mạnh mềm để người Việt vượt qua mọi âm mưu thôn tính của các thế lực ngoại bang, giữ được ngôn ngữ, tâm hồn, phẩm cách của mình, bồi đắp một nền văn hóa đậm đà, đặc sắc, đa dạng trong thống nhất.

Dù “năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, người thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ. Ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít nhiều lòng ái quốc”(2), thế nên không một trở lực, thế lực nào có thể xuyên tạc, chia rẽ, phá hoại được sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc cùng chung một cội trên hành trình đấu tranh cho độc lập, tự do, vì một đất nước Việt Nam thống nhất, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hai là, vì nước Việt Nam là một, nên “đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta... Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta”(3). Cũng vì thế, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, nhưng đế quốc Mỹ đã phá hoại Hiệp định Genève 1954, từng bước can thiệp vào miền Nam, dựng lên chính quyền tay sai để chia rẽ đồng bào và chia cắt đất nước ta, thì đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc là mục tiêu chính nghĩa trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, được nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới ủng hộ. Khát vọng thống nhất non sông ấy đã góp phần hun đúc ý chí quyết tâm của cả dân tộc Việt Nam trên hành trình đi tới tương lai.

Văn kiện Đảng qua các kỳ Đại hội và Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đều thể hiện rõ và nhất quán mục tiêu một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều 5 Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam; 2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”. Vì thế, trong bất cứ bối cảnh và giai đoạn cách mạng nào, đồng bào và chiến sĩ ta không phân biệt vùng, miền, thành phần, tôn giáo, dân tộc… đều có chung quyền lợi và cả nghĩa vụ bảo vệ giang sơn mà các thế hệ tiền nhân gây dựng, trao truyền. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn khi nói chuyện với cán bộ thuộc Đại đoàn Quân Tiên Phong, ngày 19/9/1954 tại Đền Hùng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Ba là, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) để thực hiện khát vọng thống nhất non sông, hiện thực hóa tư tưởng, ý chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định thống nhất. Đồng bào Nam - Bắc nhất định sum họp một nhà”(4), chứ đó tuyệt đối không phải là “nội chiến”, càng không phải là “miền Bắc đánh chiếm miền Nam” hay “là cuộc chiến tranh ý thức hệ, huynh đệ tương tàn” như luận điệu phản động của các thế lực thù địch. Vì thế, hiểu đúng khát vọng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân về chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”(5) và “Nước Việt Nam ta nhất định phải thống nhất. Đồng bào Nam và Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà… Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta. Đại đoàn kết là lực lượng tất thắng. Nhờ đại đoàn kết mà cách mạng đã thắng lợi”(7) cũng chính là hiểu đúng lịch sử dân tộc, hiểu đúng cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta. 

HÒA HỢP DÂN TỘC ĐỂ HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI PHỒN VINH, HẠNH PHÚC

Thấm nhuần những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: Quyết không làm nô lệ, Chỉ có một ý chí: Quyết không chịu mất nước, Chỉ có một mục đích: Quyết kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho tổ quốc. Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng vững chắc xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại”(8) và vì “TỔ QUỐC TRÊN HẾT” ở mọi nơi và mọi lúc”(9), từ sau ngày 30/4/1975, trên cơ sở lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm điểm tương đồng, hòa hợp, hòa giải dân tộc luôn là một chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Trong đó, kiều bào ta định cư ở nước ngoài, không phân biệt ý thức hệ, xuất thân, kể cả những người còn định kiến, mặc cảm với chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam… cũng đã được tạo điều kiện để về thăm và góp sức xây dựng quê hương, đất nước.

Chúng ta cần tiếp tục khẳng định rằng:

Một là, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh “là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”(10).

Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị khóa VII về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất cũng đã khẳng định “đoàn kết mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, bao gồm các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, người trong nước và người định cư ở nước ngoài”. Việc thực hiện Nghị quyết này đã góp phần nhân nguồn sức mạnh của dân tộc trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. 

Việc triển khai đồng bộ Nghị quyết số 36-NQ/TW khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và sau đó là Chỉ thị số 45-CT/TW, tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán: người Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập ở nước ngoài là một “bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”; là minh chứng sinh động cho thấy nguồn sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được nhân lên gấp bội. 

Vì thế, việc các kiều bào ta ở nước ngoài về nước thăm quê hương hay ở lại sinh sống và cùng góp sức xây dựng đất nước đều đáng trân trọng. Và cũng vì thế, khi chiến tranh đã lùi xa, khi khát vọng về một nước Việt Nam phát triển hùng cường, hạnh phúc đã trở thành ý chí và quyết tâm của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, thì những chiêu trò bịa đặt, bôi đen, xuyên tạc để kích động lòng thù hận, sự cố chấp... hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc đều là những hành động đi ngược lại khát vọng của nhân dân, có tội với Tổ quốc và tương lai của dân tộc Việt Nam. 

Hai là, Đảng và Nhà nước luôn trân trọng lòng yêu nước chân chính, tinh thần đoàn kết và sự đóng góp về mọi mặt của mỗi người dân Việt Nam dù đang sinh sống ở trong hay ngoài nước. Song, cũng kiên quyết xử lý nghiêm khắc đúng theo Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam đối với những cá nhân, tổ chức có hành động nhằm phá hoại chính sách hòa hợp dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây rối và cản trở quá trình phát triển của đất nước. Những hành vi đăng, phát tán thông tin nhằm gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân... đều là những thủ đoạn, việc làm sai trái, chỉ cốt gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. 

Vì thế, Luật An ninh mạng ra đời là hoàn toàn phù hợp và chính đáng, nhằm góp phần phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại các hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, chống Nhà nước; tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kích động biểu tình, phá rối an ninh… Luật An ninh mạng ra đời là để góp phần hạn chế đến mức thấp nhất những hành vi thù địch, phản động gây ảnh hưởng tới chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của đất nước Việt Nam, chứ không phải là “vi phạm nhân quyền” như những giọng điệu đã và đang cố tình xuyên tạc, bóp méo. 

Ba là, ngày 30/4/1975 đã làm thay đổi vận mệnh của dân tộc Việt Nam. Dù có một bộ phận người ở phía bên kia chiến tuyến đã từng chọn con đường di tản, tha hương, song, “vết sẹo ly hương” đã được thời gian chữa lành bởi chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam về đại đoàn kết, hòa hợp, hòa giải dân tộc. Đã có nhiều kiều bào trở về Tổ quốc sinh sống hoặc góp sức xây dựng quê hương, đất nước. 

Sau ngày 30/4/1975, cũng đã có rất nhiều cán binh của chế độ cũ lựa chọn ở lại Tổ quốc, tham gia học tập cải tạo, rồi sinh sống, làm ăn và phát triển tại quê hương. Có thể cuộc mưu sinh ban đầu ở thời “hậu chiến” khó khăn hơn so với cuộc sổng đủ đầy của họ trước đó khi được “tài trợ nhân đạo”, song tâm trí “những người ở lại” chắc chắn thanh thản hơn, bình an hơn mỗi độ Tết đến, Xuân về, mỗi dịp đất nước, quê hương, gia đình có lễ trọng... Bởi thế, tâm lý cực đoan, sự sân hận, hay “nỗi niềm tủi nhục”, nếu có, thì cũng chỉ là nhất thời, chắc chắn không phải không phải “truyền đời” và không thể “nuôi dưỡng” hòng “thổi bùng lên ngọn lửa trả thù” như những giọng điệu xuyên tạc, bôi đen, kích động của các phần tử cơ hội, phản động vẫn rêu rao! 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi nhân dân tại thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên _Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi nhân dân tại thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên 

Có một thực tế là, một nước Việt Nam thống nhất ngày càng phát triển; ngày càng có vị thế trên trường quốc tế vẫn không làm cho một bộ phận nhỏ những người bất mãn, cố chấp luôn mộng hồi về “chế độ xưa”, ôm giữ sự bảo thủ và ích kỷ - không hề biết trân quý giá trị của độc lập, tự do, hạnh phúc. Cũng bởi thế mà họ lại vô tình hoặc cố ý “tiếp tay” cho những kẻ phản bội Tổ quốc, phản bội nhân dân; “tiếp tay” cho sự thù hận, ích kỷ, bẻ cong sự thật lịch sử. 

Dù đã rời bỏ Tổ quốc sau ngày 30/4/1975 vì không chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; không thừa nhận, không tin theo con đường mà Đảng và nhân dân Việt Nam lựa chọn, nhưng một bộ phận người mang dòng máu Việt, dù đang sinh sống ở hải ngoại, dù không thiếu thốn về vật chất, nhưng họ vẫn không chịu “cởi bỏ” tâm lý hằn học, hận thù. Bởi thế, cứ đến “mùa này” là họ lại rên rỉ tiếng kêu “phục quốc”; xuyên tạc, phủ nhận những quyết sách, nỗ lực của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị Việt Nam trong việc thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung, hòa hợp dân tộc nói riêng... Dù thế nào thì đây cũng là những tiếng nói trái đạo lý, bởi nó reo rắc tâm lý bất an trong cộng đồng. Chúng ta kiên quyết đấu tranh, lên án và bác bỏ những việc mượn danh “yêu nước”, “dân chủ” hay “đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền” để bóp méo sự thật lịch sử, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về đại đoàn kết toàn dân tộc, về hòa hợp dân tộc.

Chúng ta cần tiếp tục làm rõ và khẳng định, nhờ có truyền thống yêu nước và đoàn kết, đồng lòng mà 54 dân tộc anh em - cùng chung Quốc Tổ là Hùng Vương - đã vượt qua mọi gian lao, thử thách để chống chọi và chiến thắng được thiên tai, địch họa, dịch bệnh; không ngừng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… xây đắp non sông ngày càng giàu mạnh. Với đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng được bổ sung, hoàn thiện; với sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt tôn giáo, giai tầng... sau 48 năm “non sông thu về một mối”, đại đa số “con Lạc cháu Hồng” đã và đang luôn kiên trung, tin tưởng, chung tay dựng xây một đất nước Việt Nam thống nhất ngày càng phát triển vững mạnh. 

Với chính sách đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc trên tinh thần bao dung, nhân ái Hồ Chí Minh: “Sông to, biển rộng, thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn, thì một chút nước cũng đầy tràn, vì độ lượng của nó hẹp nhỏ”(11), nên “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước”(12).

Sự thật là, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã không chỉ bảo vệ được giang sơn, bờ cõi, thống nhất non sông, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, mà luôn đồng tâm chung sức xây dựng quê hương - đất nước ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Vì thế, những luận điệu lạc lõng, hằn học, ảo tưởng nhằm khơi lên hận thù, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, xuyên tạc chính sách hòa hợp dân tộc... không chỉ là những thù đoạn, hành động sai trái, thâm độc, mà còn là chống lại nhân dân, đi ngược lại những khát vọng thiêng liêng, chính đáng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa!./.

TS. VĂN THỊ THANH MAI 
TS. TRẦN THỊ KIM NINH

___________________

(1) Bản ngọc phả viết thời Trần (năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601) sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng.

(2) (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.4, tr.280, 249.

(4) (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.623, 131.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.359-360.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.178-179.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.513.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.244.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.130.

(12) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.104.

 

Nguồn tin: www.tuyengiao.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video hoạt động
Screenshot 2


z5938366578357 0660a04694014cba01f06354ec63e29c


z5938342173393 e3ad0887d201d3d74066f1305a005930
Bazon SACH1
duluanxahoi
tracuu 1
bhxh2 yukp

dcs





nonnuoccb
12121hq1
Liên kết Website

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập16
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm13
  • Hôm nay3,990
  • Tháng hiện tại325,322
  • Tổng lượt truy cập4,131,512
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TUYÊN GIÁO CAO BẰNG
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Tỉnh ủy,  Km5, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3855 011  -  Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Ghi rõ nguồn https://tuyengiaocaobang.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.

  Chung nhan Tin Nhiem Mang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây